- iPhone 15 tiếp tục rò rỉ thông tin màu mới, hứa hẹn sẽ thành xu hướng
iPhone 15 Pro dự kiến sẽ được ra mắt vào tháng 9 với màu xanh xám đậm, theo một nguồn tin chuyên cung cấp những thông tin rò rỉ về Apple.
Theo đó, iPhone 15 sẽ sử dụng vật liệu titan mới và có màu xanh lam, không giống như vật liệu thép không rỉ trước đây mà Apple từng sử dụng. Thực tế, màu xanh làm này đã từng được Apple sử dụng trên mẫu iPhone 12 Pro trước đây nhưng màu tối hơn và có tông màu xám.
Màu xanh dự kiến sẽ đi kèm với các tông màu màu bạc, xám (Space Gray), đen (Space Black) và xám titan, và cuối cùng là bạc - xám nhạt hơn so với màu xám (Space Gray) và đen (Space Gray). Có rất nhiều tin đồn về màu đỏ đậm trên mẫu iPhone 15 Pro, nhưng nguồn tin này cho biết chưa thấy dấu hiệu về việc được phát triển. Màu xanh lam đã được sử dụng trên các nguyên mẫu iPhone 15 Pro thử nghiệm, nên gần như khẳng định đây chắc chắn sẽ là màu Apple sử dụng trên phiên bản iPhone mới.
Ngoài ra, có khả năng Apple đang sử dụng màu xanh lam để thử nghiệm lớp phủ PVD trên vật liệu titan mới và sẽ chuyển sang màu khác cho phiên bản ra mắt iPhone 15 Pro, nhưng màu xanh lam được sử dụng trên bản thử nghiệm sẽ là 1 trong những màu sắc tùy chọn mà Apple sẽ trình làng cùng mẫu điện thoại mới.
Đối với các mẫu iPhone 15, các màu mà chúng ta biết cho đến nay bao gồm màu hồng sáng, xanh lam sáng và xanh lục. Về thiết kế, các mẫu iPhone 15 Pro sẽ trông giống với các mẫu iPhone 14 Pro nhưng có một số điều chỉnh nhỏ về thiết kế. Dự kiến viền xung quanh màn hình sẽ mỏng hơn và công tắc tắt tiếng sẽ được thay thế bằng nút tắt tiếng đa chức năng.
Ngoài ra, máy sẽ trang bị cổng USB type C thay vì cổng Lightning, các nút âm lượng và nguồn có thể ở các vị trí hơi khác nhau. Bố cục ống kính máy ảnh sẽ thay đổi trên trên iPhone 15 Pro Max để phù hợp với ống kính tiềm vọng dành riêng cho chiếc máy này và với lớp hoàn thiện khung titan mới kém bóng hơn.
- Threads đạt 100 triệu người dùng trong 5 ngày
Mạng xã hội Threads đạt hơn 100 triệu người dùng sau chưa đầy một tuần, tốc độ nhanh nhất được ghi nhận trong lịch sử Internet.
Chỉ trong vòng 4 ngày kể từ khi ra mắt, trình theo dõi Quiver Quantitative cho biết Threads đến từ Meta đã có hơn 100 triệu người dùng, đưa Threads trở thành dịch vụ Internet cán mốc này nhanh nhất thế giới. Kỷ lục này trước đó thuộc về ChatGPT với thời gian 2 tháng.
Meta chưa đưa xác nhận số lượng người tham gia Threads. Tuy nhiên, nền tảng này cung cấp tính năng tặng huy hiệu cho người dùng dựa trên số thứ tự đăng ký. Người dùng cũng khó xóa tài khoản vì chúng liên kết với Instagram. Vì vậy từ số thứ tự, các hệ thống có thể dễ dàng biết mạng xã hội đã thu hút bao nhiêu thành viên.
Đặt lên bàn cân, có thể thấy Threads đã tạo ra kỷ lục mới. Trong khi ChatGPT mất 2 tháng, TikTok mất 9 tháng và Instagram mất hơn 2 năm để đạt 100 triệu người dùng thì Threads chỉ mất vỏn vẹn 5 ngày.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, do Threads nằm trong hệ sinh thái của Meta, nên người dùng Threads có thể dễ dàng tạo tài khoản từ Instagram. Việc mạng xã hội này có hàng tỷ người dùng trên toàn cầu được đánh giá là sự hỗ trợ lớn đối với tân binh như Threads.
Có thể nói, một trong những yếu tố không nhỏ góp phần vào thành công ban đầu của Threads là khả năng tiếp cận với khoảng hơn 2 tỷ người dùng đang hoạt động của Instagram, khác với ChatGPT - một sản phẩm độc lập.
Hồi đầu năm, kỷ lục thu hút người dùng thuộc về ChatGPT - siêu AI ra mắt cuối tháng 11/2022 và đạt 100 triệu người dùng vào cuối tháng 1, vượt qua TikTok (9 tháng) và Instagram (2,5 năm).
- Facebook, Instagram, WhatsApp gặp sự cố sau khi Threads phá kỷ lục của ChatGPT
Theo Downdetector, hàng ngàn người dùng ở Mỹ trên mạng xã hội Instagram và Facebook cũng như ứng dụng nhắn tin WhatsApp đã báo cáo sự cố ngừng hoạt động hôm 10.7 (giờ địa phương).
Có tới 13.000 người dùng đã báo cáo sự cố khi truy cập Instagram. Trong khi khoảng 5.400 và 1.870 người dùng gặp phải sự cố ngừng hoạt động trên Facebook và WhatsApp.
Downdetector theo dõi sự cố ngừng hoạt động bằng cách đối chiếu các báo cáo trạng thái từ một số nguồn, gồm cả các lỗi do người dùng gửi trên nền tảng của dịch vụ này. Việc ba nền tảng của Meta Platforms ngừng hoạt động có thể đã ảnh hưởng đến số lượng lớn người dùng hơn.
Instagram, Facebook và WhatsApp gặp sự cố sau khi Threads, mạng xã hội mới của Meta Platforms, vượt ChatGPT để trở thành nền tảng trực tuyến phát triển nhanh nhất lịch sử.
- Rộ vấn nạn lừa đảo giả mạo ứng dụng Chính phủ, Tổng cục Thuế
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, 1 tuần trở lại đây, trên không gian mạng Việt Nam rộ lên chiến dịch lừa người dân cài các ứng dụng giả mạo các app của Chính phủ, Tổng cục Thuế.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, ban đầu đối tượng lừa đảo sẽ gọi hoặc liên hệ với các nạn nhân qua điện thoại, Zalo, Facebook… để mời nạn nhân lên cơ quan thuế hoặc Công an để định danh điện tử.
Sau đó, các đối tượng thuyết phục người dùng tải ứng dụng giả mạo app của Chính phủ, Tổng cục Thuế trên các trang web giả mạo, ngụy trang là truy cập vào kho ứng dụng Google Play Store (CHPlay).
Tiếp đó, khi đã lừa được nạn nhân bấm vào link để tải ứng dụng giả mạo dạng “.apk” về, đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn nạn nhân cài đặt app và chấp nhận toàn bộ quyền cho ứng dụng để hoạt động.
Đáng chú ý, ứng dụng giả mạo yêu cầu nhiều quyền để hoạt động, bao gồm cả truy cập dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn. Nếu người dùng đồng ý, đối tượng lừa đảo có thể kiểm soát, theo dõi điện thoại nạn nhân từ xa, và mục tiêu chính chúng nhắm đến là thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng. Khi đã có thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng, các đối tượng lừa đảo sẽ dùng nhiều chiêu trò để có được mã OTP chuyển tiền hòng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Theo Cục An toàn thông tin, không chỉ xuất hiện 1 app giả mạo, trong chiến dịch lừa đảo app mã độc “.apk” giả mạo Tổng cục Thuế, app Chính phủ mới được phát hiện, nhóm đối tượng lừa đảo đã sử dụng lên đến gần 195 hệ thống khác nhau để lừa người dân.
- Google khởi động chương trình cho khởi nghiệp
Chương trình “Google for Startups Accelerator, Southeast Asia: Việt Nam bứt phá đổi mới" dành cho các nhà khởi nghiệp tại Đông Nam Á hướng tới mục tiêu tăng cường hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia với việc đào tạo mạng lưới cố vấn chuyên sâu dành cho các startups Việt Nam, từ đó phát triển mạng lưới doanh nghiệp.
Sáng 11/7, Google hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam khởi động chương trình “Google for Startups Accelerator, Southeast Asia: Việt Nam bứt phá đổi mới" - chương trình hàng đầu của Google dành cho các nhà khởi nghiệp (startups) tại Đông Nam Á.
Theo đại diện Google, chương trình được xây dựng trên sự thành công của chương trình “Google for Startup: Startup Academy Vietnam” ra mắt và triển khai lần đầu tại Việt Nam vào năm 2022 cho 50 startup đến từ 16 lĩnh vực trong cả nước.
Năm nay, chương trình sẽ đào tạo 6 ngành nghề chính thay vì 16 như năm 2022, nhằm bảo đảm sự tập trung chuyên sâu, đồng thời phù hợp với các lĩnh vực phát triển cốt lõi của quốc gia: Giáo dục, sức khỏe, nông nghiệp, bán lẻ, công nghệ tài chính và đô thị thông minh.
Chương trình kéo dài 3 tháng, mở đầu bằng một trại đào tạo trực tiếp trong 5 ngày, sau đó là 5 hội thảo trực tuyến, ngày tốt nghiệp và Demo Day (ngày thuyết trình gọi vốn). Các startup tham dự khóa đào tạo sẽ trải qua những phiên cố vấn với các chuyên gia từ Google và chuyên môn trong 3 tháng.
Sẽ có 20 startup được lựa chọn để tham gia vào các phiên đào tạo, cố vấn trực tiếp một kèm một (1:1), cố vấn theo nhóm và các hội thảo. Những startup được chọn sẽ được tham gia vào mạng lưới Google for Startups toàn cầu với hơn 1.000 doanh nghiệp đã tham gia từ nhiều khu vực.