Điểm tin công nghệ 11/7: Apple tiếp tục thống lĩnh thị trường smartphone nửa đầu năm 2023

Việt Báo (Tổng hợp)| 11/07/2023 06:00

Netflix gỡ phim Trung Quốc có 'đường lưỡi bò'; Threads của Mark Zuckerberg xô đổ kỷ lục của ChatGPT

iphone14-3166-1-.jpeg

- Apple tiếp tục thống lĩnh thị trường smartphone nửa đầu năm 2023

Tại hệ thống Thế Giới Di Động, iPhone vẫn chiếm đa số (4/10) trong bảng xếp hạng 10 smartphone bán chạy nhất tại hệ thống tính đến tháng 6-2023. Đứng đầu là iPhone 13 128 GB, vị trí thứ hai thuộc về iPhone 11 64 GB.

Dù đã ra mắt hơn 3 năm nhưng iPhone 11 64 GB vẫn là mẫu điện thoại được nhiều người lựa chọn. Với thiết kế đẹp mắt, cấu hình tốt cùng cụm camera lớn, máy đủ sức đáp ứng tốt nhu cầu làm việc, chụp ảnh và giải trí trong vài năm tới.

Các vị trí tiếp theo thuộc về OPPO A16K, Galaxy A13, Galaxy A23, Galaxy A53 5G, OPPO A55, iPhone 12 64 GB, Galaxy A33 5G, iPhone 14 Pro Max 128 GB.

Có thể thấy, Apple vẫn tiếp tục giữ vững ngôi đầu bảng, chiếm hơn 50% số máy bán ra của toàn ngành hàng smartphone trong nửa đầu năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số của Apple tăng khoảng 15%.

Ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá, các dòng iPhone liên tục được điều chỉnh giảm khiến sức bán vẫn tăng cao. Trong đó, iPhone 14 Pro Max giảm kỷ lục hơn 9 triệu đồng so với giai đoạn mở bán và là smartphone bán chạy nhất, chiếm khoảng 20%. Samsung chiếm vị trí thứ 2, với doanh số chiếm khoảng 30%.

Những sản phẩm mới được ra mắt đầu năm nay, từ Galaxy S23 series đến các dòng Galaxy A14, A34, A54… đều ghi nhận sức bán tăng cao so với thế hệ trước. Các model thế hệ cũ như A23, A33… được giảm giá sâu, tăng sức hút với tệp khách hàng tầm trung và những người không dư dả về tài chính.

Còn lại lần lượt là Xiaomi, OPPO với doanh số chiếm khoảng 13%. Doanh số của các hãng này trong nửa đầu năm 2023 tập trung chủ yếu ở các sản phẩm giá bán rẻ như Xiaomi Redmi Note 12, OPPO A57, Realme C55 có giá hơn 4 triệu đồng.

- Bộ Công an cảnh báo 24 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam

Theo Bộ Công an, hiện có 3 nhóm lừa đảo chính với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.

Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.

Các hình thức gồm: Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ"; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (Bảo hiểm xã hội, ngân hàng…).

Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.

Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,…; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook; lừa đảo cho số đánh đề.

Theo Bộ Công an, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.

- Threads của Mark Zuckerberg xô đổ kỷ lục của ChatGPT

Chỉ trong 5 ngày, ứng dụng Threads của Instagram đã vượt mốc 100 triệu người đăng ký, xô đổ kỷ lục mà chatbot ChatGPT đang nắm giữ.

Theo website số liệu Quiver Quantitative, tính đến ngày 9/7, đã có hơn 100 triệu người đăng ký ứng dụng Threads của Instagram. “Kẻ hủy diệt Twitter” ra mắt vào ngày 5/7 và nhanh chóng thu hút 30 triệu lượt đăng ký chỉ trong 24 giờ đầu tiên. Sau đó, nó vươn lên 50 triệu và 70 triệu trong chưa đầy hai ngày.

Với thành tích này, Threads đã phá kỷ lục của ChatGPT. Chatbot của OpenAI chạm mốc 100 triệu người dùng trong hai tháng. Để so sánh, TikTok đạt 100 triệu người dùng trong 9 tháng, Instagram trong 2,5 năm. Dù vậy, lượt đăng ký và người dùng hoat động là hai thước đo khác nhau. Ngoài ra, chưa rõ tương tác của người dùng trên Threads và thời gian họ sử dụng nền tảng như thế nào.

- Cảnh báo mạo danh tuyển dụng “Chiến sĩ nhí” cho Đài truyền hình Việt Nam

Ngày 10/7, Công an TP Hà Nội cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng “Chiến sĩ nhí” cho Đài truyền hình Việt Nam để chiếm đoạt tiền.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Công an TP Hà Nội cho biết, lợi dụng nhu cầu tìm các khóa học, kỳ học, chương trình ngoại khóa cho con trong thời gian nghỉ hè năm 2023, trên mạng xã hội trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều fanpage “Chiến sĩ Nhí”, “Chiến Sỹ Nhí Năm 2023”…, đăng tải các nội dung: “Tuyển các chiến sĩ tí hon cho chương trình Chúng tôi là Chiến sĩ Nhí-Đài truyền hình Việt Nam VTV. Cần tuyển 500 mẫu nhí cho chương trình CHÚNG TÔI LÀ CHIẾN SỸ NHÍ 2023 của ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM VTV thực hiện. Chương trình sẽ được phát sóng vào 20h00 thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV3 ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM”.

Để đăng ký tham gia Chương trình, các đối tượng cung cấp cho phụ huynh mã ứng tuyển của bé và số điện thoại zalo của tư vấn viên, dẫn dắt bậc phụ huynh truy cập vào zalo đăng ký các thông tin cá nhân. Sau khi đăng ký thông tin cá nhân, các đối tượng yêu cầu phụ huynh tham gia nhóm Telegram để thực hiện các nhiệm vụ.

Khi đăng nhập vào ứng dụng Telegram, các đối tượng sẽ yêu cầu các phụ huynh phải giúp bé vượt qua 2 vòng thử thách online để tuyển chọn hồ sơ thành công.

Tại vòng thử thách thứ 2, các đối tượng sẽ mời chào phụ huynh thực hiện các nhiệm vụ để hưởng hoa hồng với lãi suất cao. Trong nhóm, sẽ có nhiều ảnh phụ huynh chuyển tiền và nhận được hoa hồng để tạo lòng tin. Khi phụ huynh chuyển tiền vào thực hiện các nhiệm vụ sẽ bị chiếm đoạt số tiền chuyển khoản.

- Netflix gỡ phim Trung Quốc có 'đường lưỡi bò'

Netflix cho biết đã gỡ bỏ loạt phim Trung Quốc "Hướng gió mà đi" trên nền tảng tại Việt Nam

“Vì một số chi tiết trong các tập phim bị cấm theo quy định của chính phủ Việt Nam, Netflix đã gỡ bỏ loạt phim “Hướng gió mà đi ” trên nền tảng tại Việt Nam. Phim vẫn có mặt trên nền tảng ở các nước khác" - Người này nói.

Theo ghi nhận, trên nền tảng FPT Play cũng không tìm thấy bộ phim Hướng gió mà đi.

Trước đó, chiều 9/7, Cục Điện ảnh đã ban hành văn bản yêu cầu Netflix, FPT Play gỡ bỏ phim Hướng gió mà đi do có xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp.

Cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt ký ban hành Công văn số 870/ĐA-VP gửi Công ty Netflix; Công văn số 871/ĐA-VP gửi Công ty Cổ phần Viễn thông FPT với nội dung yêu cầu gỡ bỏ phim Hướng gió mà đi.

Trong công văn gửi Netflix, Cục Điện ảnh nêu rõ, ngày 8/7/2023, Cục nhận được thông tin phản ánh về việc Công ty Netflix phổ biến phim Hướng gió mà đi (39 tập) trên không gian mạng qua địa chỉ tên miền https://www.netflix.com và ứng dụng Netflix tới người sử dụng tại Việt Nam, trong đó nội dung phim Hướng gió mà đi có hình ảnh ''đường lưỡi bò'' phi pháp.

Cục Điện ảnh đã tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ nội dung phim Hướng gió mà đi (39 tập). Kết quả kiểm tra cho thấy, hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trên bản đồ trong nhiều cảnh phim tại các tập 18, tập 19, tập 21, tập 24, tập 25, tập 26, tập 27, tập 38, đặc biệt là từ 2 phút 00 giây đến 2 phút 03 giây tập 30 và kèm theo lời thoại và phụ đề “Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới” từ 41 phút 18 giây đến 41 phút 55 giây tại tập 18.

"Việc thể hiện hình ảnh đường lưỡi bò và những nội dung trong lời thoại và phụ đề như đã nêu trên trong phim là không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam và vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15”, Công văn nhấn mạnh.

Tại Công văn gửi Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Cục Điện ảnh cho biết nhận được thông tin phản ánh về việc Công ty Cổ phần Viễn thông FPT phổ biến phim Hướng gió mà đi (39 tập) trên không gian mạng qua địa chỉ tên miền https://fptplay.vn và ứng dụng FPT Play tới người sử dụng tại Việt Nam, trong đó nội dung phim Hướng gió mà đi có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp.

Dù đơn vị này làm mờ hình ảnh bản đồ trong nhiều cảnh phim Hướng gió mà đi (tại các tập 18, tập 19, tập 21, tập 24, tập 25, tập 26, tập 27, tập 30, tập 38), tuy nhiên, Cục Điện ảnh khẳng định bộ phim có nội dung không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam nên không phù hợp để phổ biến tại Việt Nam.

Cục Điện ảnh yêu cầu Công ty Netflix thực hiện gỡ bỏ phim Hướng gió mà đi tại địa chỉ tên miền https://www.netflix.com và ứng dụng Netflix; yêu cầu Công ty Cổ phần Viễn thông FPT thực hiện gỡ bỏ phim Hướng gió mà đi tại địa chỉ tên miền https://fptplay.vn và ứng dụng FPT Play.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 11/7: Apple tiếp tục thống lĩnh thị trường smartphone nửa đầu năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO