Điểm tin công nghệ 10/2: Apple khắc phục lỗi gõ lặp chữ trên iPhone, Macbook

Việt Báo (Tổng hợp)| 10/02/2024 06:00

Mỹ: Truy tố những người tạo ra các cuộc gọi rác bằng AI; Sam Altman đặt tham vọng huy động số tiền không tưởng 5.000 - 7.000 tỉ USD cho sáng kiến chip AI

them-mot-ly-do-khien-iphone-16-pro-bi-che-du-chua-ra-mat-c36pcvwkbjfe4a4xg8grlo-1200-80-1705657350-434-width1200height675.jpg

- Apple khắc phục lỗi gõ lặp chữ trên iPhone, Macbook

Ngày 9/2, Apple đã phát hành bản cập nhật hệ điều hành mới cho hầu hết thiết bị điện toán của mình, khắc phục hiện tượng gõ ký tự bị lặp chữ gây phiền toái cho người dùng thời gian qua.

Theo đó, iPhone và iPad đã có iOS và iPadOS 17.3.1, còn các máy tính Mac, Macbook và iMac đã có macOS 14.3.1. Cả hai phiên bản đều giải quyết hiện tượng lặp ký tự hoặc lặp chữ khi người dùng gõ văn bản.

Cùng ngày, Apple cũng phát hành công cụ vẽ hình ảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo với tên gọi MGIE, cho phép sửa hình ảnh dựa trên mô tả của người dùng.

Được phát triển trong quan hệ hợp tác giữa Apple với Đại học California (Mỹ), MGIE có thể lấy dữ liệu mệnh lệnh từ hình ảnh, văn bản, video... và sửa màu sắc, loại bỏ một phần bức ảnh, thêm nội dung mới vào bức ảnh gốc.

Đây sẽ là công cụ mới rất giá trị, được tích hợp trong các phiên bản tới đây của iOS và macOS - vốn ngày càng dày đặc các tính năng trí tuệ nhân tạo. Trong phiên bản 17.4 tới đây, iOS cũng sẽ có thêm tính năng trợ lý trí tuệ nhân tạo, với sự "thông minh" tương tự như ChatGPT, Microsoft Bing hay Google Gemini...

- Google chính thức đổi tên Bard thành Gemini

Google đổi tên chatbot Bard thành Gemini và thông báo người dùng có thể trả 20 USD mỗi tháng nếu muốn phiên bản có tính năng mạnh hơn.

Với việc đổi thương hiệu và ứng dụng, Google nhấn mạnh cam kết trong việc theo đuổi và đầu tư mạnh vào các trợ lý hoặc đại lý trí tuệ nhân tạo (AI), một thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả các dịch vụ từ chatbot đến trợ lý mã hóa và các công cụ năng suất khác.

Phó Chủ tịch Google Sissie Hsiao chia sẻ: "Kể từ khi chúng tôi giới thiệu chatbot Bard năm ngoái, người dùng đã sử dụng AI theo những cách hoàn toàn mới. Nhiệm vụ của chúng tôi với Bard là cung cấp quyền tiếp cận trực tiếp đến các mô hình AI của Google, trong đó Gemeni là mô hình mạnh nhất. Để phản ánh điều này, Bard từ nay đổi tên thành Gemini".

Google cũng đã phát hành Gemini Advanced, cho phép người dùng tiếp cận mô hình Ultra 1.0 tối tân và lớn nhất của hãng. Đây là một phần trong gói dịch vụ Google One AI Premium có phí 19,99 USD mỗi tháng và khách hàng có thể dùng thử miễn phí trong hai tháng.

Bà Hsiao, người cũng kiêm chức vụ Tổng giám đốc của Google Assistant và Bard, nhấn mạnh những thay đổi về Gemini của Google là bước đầu tiên để “xây dựng một trợ lý AI thực sự".

- Mỹ: Truy tố những người tạo ra các cuộc gọi rác bằng AI

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) ra quy định coi những cuộc gọi rác được ghi âm sẵn (robocall) sử dụng giọng nói do trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tạo là bất hợp pháp.

Vấn đề này trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận sau khi một cuộc gọi giả giọng Tổng thống Mỹ Joe Biden được lan truyền hồi tháng trước với nội dung kêu gọi người dân không đến bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hamsphire. Theo Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel, những đối tượng xấu đang sử dụng giọng nói giả mạo do AI tạo ra để đưa vào các cuộc gọi được ghi âm sẵn, giả mạo người nổi tiếng và thông tin sai lệch tới các cử tri. Chính phủ Mỹ sẽ có những công cụ mới để ngăn chặn những cuộc gọi rác kiểu này.

FCC quy định những cuộc gọi bằng giọng nói do AI sáng tạo ra là giả mạo, vi phạm Đạo luật bảo vệ khách hàng viễn thông (TCPA). Đây là luật cao nhất mà FCC sử dụng để ngăn chặn các cuộc gọi rác, hạn chế các cuộc gọi tiếp thị và sử dụng các hệ thống tự động quay số điện thoại. Quy định trên đồng nghĩa rằng việc sử dụng giọng nói giả mạo trong cuộc gọi rác được ghi âm sẵn là phạm pháp, theo đó cho phép cơ quan chức năng truy tố những người tạo ra các cuộc gọi này.

Trong những năm gần đây, số lượng các cuộc gọi rác nêu trên đã gia tăng đáng kể trong bối cảnh nở rộ các hệ thống gọi tự động. Một nhóm gồm 26 lãnh đạo cơ quan tư pháp cấp bang tại Mỹ đã đề nghị FCC siết chặt quy định đối với việc sử dụng giọng nói do AI tạo ra trong các cuộc gọi tiếp thị trên điện thoại.

nguoi-dung-duoc-tu-van-trai-nghiem-dich-vu-tai-di-dong-viet.jpg

- Sự cố đe dọa mạng ngoại tuyến giảm gần 60%

Theo chuyên gia Kaspersky, trong 4 năm qua giảm 57% số người dùng Việt bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa ngoại tuyến, tuy nhiên người dùng vẫn nên thận trọng và nhất quán các bước để bảo vệ tài sản của mình trước những mối đe dọa này.

Các mối đe dọa ngoại tuyến bao gồm: các đối tượng xâm nhập vào máy tính bằng cách lây nhiễm các tệp, phương tiện di động hay bắt đầu xâm nhập vào hệ thống máy tính ở dạng kín như các chương trình bên trong các trình cài đặt phức tạp, các tệp được mã hóa…

Các chuyên gia an ninh mạng của Kaspersky Security Network cho biết, số lượng người dùng tại Việt Nam bị các mối đe dọa cục bộ nhắm đến đã giảm đáng kể từ năm 2020 đến năm 2023. Công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky đã ngăn chặn 114.802.178 mã độc gây nguy hiểm thông qua ổ USB di động, CD, DVD và các phương pháp ngoại tuyến khác ở Việt Nam vào năm 2023. Đây là mức giảm 6% so với 121.542.272 mã độc vào năm 2022.

Nhìn chung, việc giảm số lượng các mối đe dọa ngoại tuyến là do nhiều yếu tố khác nhau tạo thành. Bên cạnh những nỗ lực nhất quán của Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức và cải thiện các biện pháp an ninh mạng trong nước, người dùng Việt Nam hiện đã chủ động hơn trong việc tự bảo vệ bản thân.

- Sam Altman đặt tham vọng huy động số tiền không tưởng 5.000 - 7.000 tỉ USD cho sáng kiến chip AI

Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, đang đàm phán với các nhà đầu tư (gồm cả UAE) để gây quỹ cho một sáng kiến ​​công nghệ nhằm tăng cường năng lực chế tạo chip của thế giới và mở rộng khả năng cung cấp sức mạnh cho trí tuệ nhân tạo (AI) cùng nhiều thứ khác, tạp chí Wall Street Journal đưa tin hôm 8.2.

Báo cáo cho biết dự án có thể yêu cầu huy động từ 5.000 tỉ USD đến 7.000 tỉ USD, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.

OpenAI và nhà đầu tư lớn nhất của công ty Mỹ này là Microsoft không phản hồi ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận.

Các kế hoạch gây quỹ của Sam Altman nhằm mục đích giải quyết hạn chế với sự phát triển OpenAI, gồm cả sự khan hiếm chip AI cần thiết để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn làm nền tảng cho ứng dụng AI như ChatGPT, theo Wall Street Journal.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) đã dự báo doanh số chip toàn cầu sẽ tăng 13,1% lên 595,3 tỉ USD trong năm 2024, so với mức giảm khoảng 8% vào 2023.

Số tiền mà Sam Altman thảo luận là cực kỳ lớn so với tiêu chuẩn gây quỹ của các công ty. Các nhà đầu tư định giá OpenAI ở mức hơn 80 tỉ USD.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 10/2: Apple khắc phục lỗi gõ lặp chữ trên iPhone, Macbook
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO