Điểm nhấn thương hiệu du lịch biển Bình Thuận

Nguyễn Thanh (TTXVN)| 24/08/2022 16:04

Tròn 30 năm phát triển và hội nhập, ngành Du lịch Bình Thuận đã khẳng định thương hiệu, tiếp tục đà tăng trưởng, không những là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam mà còn trở thành điểm nghỉ dưỡng biển nổi tiếng thế giới. Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Bình Thuận thắng cảnh tự nhiên chạy dọc theo 192 km chiều dài bờ biển và nhiều hòn đảo lớn nhỏ hoang sơ trong vùng lãnh hải 52.000 km2, tận dụng “nội lực” này, tỉnh biến bất lợi về nắng, gió thành thương hiệu của riêng mình “biển xanh - cát trắng - nắng vàng” trong suốt chiều dài phát triển.

Diem nhan thuong hieu du lich bien Binh Thuan hinh anh 1Các bãi tắm công cộng ở Bình Thuận thu hútđông đảo du khách lẫn người dân địa phương. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN

Khẳng định thương hiệu qua chặng đường dài

Năm 1992 - năm đầu tiên tái lập tỉnh, Đảng bộ, nhân dân Bình Thuận bắt tay vào xây dựng khi ngành Du lịch hầu như không có gì trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới. Năm 1995, sự kiện Nhật thực toàn phần vào ngày 24/10 đã thu hút hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về Mũi Né - Phan Thiết để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, trong đó, có không ít doanh nhân trong và ngoài nước đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vùng đất mới. Từ đó, nguồn tài nguyên du lịch được khơi dậy và vươn lên đầy ấn tượng.

Là tỉnh ven biển cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận có vị trí thuận lợi là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đồng thời, Bình Thuận là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam như Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… Bình Thuận có 192 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành, có các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, ngành Du lịch đã nỗ lực trong thời gian dài xây dựng một thương hiệu du lịch biển gắn với tổ chức các sự kiện quốc tế mang đặc trưng riêng của mình, điển hình như: Hoa hậu trái đất năm 2010, Giải lướt Ván buồm thế giới PWA Mũi Né-Việt Nam, Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế Việt Nam lần thứ I - Bình Thuận năm 2012 tại Hàm Tiến - Mũi Né, Vòng chung kết Hoa hậu Đại Dương năm 2014… Các sự kiện này đã diễn ra khá thành công, tạo hiệu ứng cao trong việc giới thiệu, quảng bá sâu, rộng hình ảnh du lịch Bình Thuận đến khách du lịch.

Qua chặng đường xây dựng phát triển, đến nay, du lịch Bình Thuận đã đạt được những thành tựu đột phá. Hiệu quả đầu tư cùng với môi trường đầu tư thông thoáng đã thu hút mạnh các nhà đầu tư kinh doanh du lịch đến Bình Thuận.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, đến tháng 7/2022, toàn tỉnh có 382 dự án đầu tư du lịch (trong đó có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh) với tổng vốn đăng ký 70.000 tỷ đồng, tổng diện ích đất 6.300 ha. Toàn tỉnh hiện có 600 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với 17.500 phòng; 550 căn hộ và 315 biệt thự cho thuê, đảm bảo phục vụ đa dạng các dòng du khách vào cùng một thời điểm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 25.000 lao động ngành Du lịch, trong đó, khoảng 70% lao động đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch.

Ngành Du lịch đã dần khẳng định vai trò, vị trí trụ cột của mình trong nền kinh tế của tỉnh. Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng năm 2019 đạt 6,4 triệu lượt, tăng gấp 512 lần so với năm 1992, tăng bình quân 26%/năm, trong đó, khách quốc tế 774 ngàn lượt, gấp 80 lần so với năm 1992. Doanh thu từ du lịch tăng trưởng khá cao, năm 2019 đạt 15.200 tỷ đồng, gấp 2.500 lần so với năm 1992… Thời gian lưu trú của khách ngày càng dài hơn, tỷ lệ du khách quay trở lại cao hơn.

Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp, trong 30 năm qua, Bình Thuận đã có nhiều sản phẩm du lịch. Đặc biệt, việc Chính phủ quy hoạch Mũi Né là Khu Du lịch quốc gia chính là một thành tựu tổng thể. Du lịch tác động đến kinh tế - xã hội và người dân Bình Thuận. Theo đó, người dân cảm thấy mình có cuộc sống sung túc hơn và nhất là được giao tiếp với nhiều du khách ở mọi miền. Đây là thành tựu rất lớn đối với Bình Thuận vì du lịch đã góp phần làm cho đời sống của người dân không những phong phú hơn.

Khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch biển

Tận dụng thế mạnh bờ biển dài với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, ngành Du lịch Bình Thuận tạo nên thương hiệu du lịch biển đặc trưng trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới. Hiện nay, Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam, Mũi Né trở thành một trong 6 khu du lịch quốc gia của cả nước.

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương đã trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao biển, du lịch tín ngưỡng, biển đảo… Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận. GRDP du lịch năm 2017 đạt 8,82%, năm 2018 đạt 9,44%, năm 2019 đạt 9,97%...Du lịch phát triển giúp giải quyết nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động các vùng ven biển. Mặt khác, du lịch phát triển góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của các Công ty lữ hành du lịch, không nhiều tỉnh, thành phố có bờ biển trải dài và đẹp như ở Bình Thuận. Điểm du lịch nổi tiếng ven biển hầu như phân bố đều tại các địa phương như: Mũi Né - Hòn Rơm (thành phố Phan Thiết), biển Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam), bãi đá 7 màu ven biển được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bãi đá có hình dạng và màu sắc nhiều nhất Việt Nam” (huyện Tuy Phong)… Đây chính là những điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch gắn liền với biển được du khách lựa chọn.

Du lịch Bình Thuận, đặc biệt là Khu du lịch Mũi Né ở thành phố Phan Thiết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu Du lịch quốc gia, trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế, được nhiều tạp chí về du lịch uy tín trên thế giới bình chọn, công nhận là một trong những điểm đến lý tưởng. Không những vậy, biển Mũi Né những năm trở lại đây đã tổ chức nhiều cuộc thi thể thao biển thu hút nhiều vận động viên chuyên nghiệp đến từ các quốc gia trên thế giới tham gia.

Ông Ngô Minh Chính, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận nhìn nhận, biển Mũi Né sở hữu khí hậu ấm áp và nhiều gió, trở thành nơi hội tụ của các tay đua lướt ván buồm, ván diều nổi tiếng thế giới. Đây cũng là nơi được chọn để tổ chức môn thể thao lướt ván buồm quốc tế hàng năm.

Theo đánh giá của chuyên gia, Mũi Né là một trong 50 bãi biển tốt nhất thế giới cho môn thể thao lướt ván buồm và là bãi biển hàng đầu của châu Á cho môn thể thao này. Từ tiềm năng đa dạng, phong phú và điều kiện địa hình thuận lợi, Bình Thuận có thể tổ chức các loại hình du lịch biển đặc thù riêng của mình.

Là một trong những đơn vị gắn liền với sự phát triển của du lịch Bình Thuận, ông Đặng Minh Huy, Phó Giám đốc điều hành The Cliff Resort & Residences (thành phố Phan Thiết) cho rằng, Bình Thuận là điểm đến hấp dẫn đã được khẳng định. Điều kiện khí hậu ấm áp, bờ biển đẹp, số ngày nắng nhiều rất phù hợp cho hoạt động nghỉ dưỡng, thể thao, chăm sóc sức khỏe.

Chủ trương thu hút đầu tư của chính quyền địa phương khá rõ ràng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Sắp tới, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành, dự án cảng hàng không Phan Thiết đang được đẩy nhanh tiến độ, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động du lịch.

Với những “bước tiến” vững chắc qua quá trình phát triển, vai trò, vị trí của du lịch Bình Thuận trong cơ cấu kinh tế ngày càng nâng lên, thể hiện là ngành kinh tế mũi nhọn, một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng rõ nét, góp phần quan trọng trong việc khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Để tiếp tục đưa Du lịch Bình Thuận phát triển trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bình Thuận đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng Khu Du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bình Thuận đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ngành Du lịch đón 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế từ 10-12%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 18-20%/năm. Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10-11%. Giai đoạn đến năm 2030 đón 16 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 từ 20-22%/năm. Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 12 - 13%.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết, từ năm 1995 đến nay, tỉnh đã ban hành 5 Nghị quyết về phát triển du lịch, điều đó cho thấy du lịch là một trong những ngành có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định du lịch là một trong 3 trụ cột của ngành kinh tế. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm nâng cao sức hấp dẫn, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với những lợi thế về cảnh quan, khí hậu, thương hiệu đã tạo dựng bấy lâu nay, tỉnh sẽ xây dựng khu du lịch Mũi Né trở thành khu du dịch quốc gia, có đẳng cấp, tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong nước và quốc tế, làm hạt nhân lan tỏa cho du lịch của tỉnh.

Kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mạnh mẽ là có cơ sở, vì Bình Thuận hiện đã có điều kiện thuận lợi hơn để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và thúc đẩy du lịch vươn lên xứng tầm. Đó là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua địa bàn tỉnh), Cảng Hàng không Phan Thiết sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, điểm "nghẽn" về chồng lấn quy hoạch khai thác titan với quy hoạch du lịch cũng đã được tháo gỡ… Bên cạnh đó, nhiệm vụ và giải pháp đề ra nhằm tập trung phát triển du lịch Bình Thuận trong 10 năm tới có một số điểm mới so các giai đoạn trước đây. Cụ thể như xây dựng chuỗi đô thị du lịch ven biển đồng bộ, lấy Khu Du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân, tạo sức lan tỏa để phát triển du lịch Bình Thuận và làm điểm nhấn thu hút đông đảo khách nội địa lẫn quốc tế…

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, để phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn mới, ngoài phát triển đa dạng các loại hình du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn thân thiện việc hợp tác, liên kết du lịch là một trong những giải pháp quan trọng tỉnh quan tâm thực hiện. Bình Thuận tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch Bình Thuận - Thành phố Hồ Chí Minh - Lâm Đồng với sản phẩm liên kết “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né ”. Đồng thời, tỉnh tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ nhằm nối tour khách quốc tế đến Bình Thuận từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thu hút khách nội địa vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Bình Thuận đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên hệ thống truyền thông, mạng xã hội, công nghệ số, nhất là các kênh truyền thông uy tín trong nước và quốc tế. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh thường xuyên tổ chức đón đoàn khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch mới, vận dụng trang mạng xã hội có sức lan truyền mạnh để quảng bá thương hiệu, giới thiệu điểm đến du lịch Bình Thuận.

Nguyễn Thanh

Theo dantocmiennui.vn
https://dantocmiennui.vn/diem-nhan-thuong-hieu-du-lich-bien-binh-thuan/324584.html
Copy Link
https://dantocmiennui.vn/diem-nhan-thuong-hieu-du-lich-bien-binh-thuan/324584.html
Bài liên quan
  • Bức ảnh ‘cổng trời’ tại Việt Nam gây sốt mạng xã hội
    Bức ảnh “cổng trời” tại Việt Nam đang được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Bức ảnh này không chỉ thu hút được lượt tương tác cao mà còn khiến nhiều người thắc mắc đây là ở đâu và người chụp là ai?
  • Phố trang trí lộng lẫy, người dân đi chơi Noel sớm
    Chưa đến cuối tháng 11 nhưng du khách và người dân Hà Nội đã háo hức lên phố Hàng Mã mua đồ, dạo chơi và chụp ảnh.
  • Phát triển du lịch văn hóa nhìn từ thực tiễn sống động tại TP.HCM
    Biểu tượng (logo) của ngành du lịch TP.HCM là hình ảnh chợ Bến Thành, kết hợp cùng khẩu hiệu (slogan) “Vibrant Ho Chi Minh City - TP.HCM Sống động”, phủ lên dải quang phổ đa sắc màu. Nếu hình dung bức tranh du lịch TP.HCM qua sự phong phú màu sắc như thế, thì ở đó, không thể thiếu thực tiễn sống động của du lịch văn hóa - mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, dựa trên các giá trị đặc sắc của vùng đất đa dạng văn hóa, giàu tài nguyên du lịch văn hóa.
  • Chiêm ngưỡng hai thành phố đẹp như mơ ở Malaysia
    Đến Malaysia, không ghé thăm hai thành phố Malacca và Putrajaya sẽ là khuyết điểm lớn. Nếu Malacca mang vẻ đẹp cổ kính bởi đền đài, thành quách thì Putrajaya lại được biết đến là thành phố mới, thông minh và sôi động.
  • 10 sự thật thú vị về văn hóa Malaysia mà bạn nên biết
    Quê hương của đối thủ tuyển Việt Nam tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 có vua sầu riêng, nói tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa và... đi vệ sinh với phong cách ngồi xổm.
  • Tham quan lăng tẩm vị Hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn
    Được xây dựng trải qua 4 đời vua, lăng của vị vua Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm nhấn thương hiệu du lịch biển Bình Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO