Sử dụng vũ khí chính xác
Theo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các máy bay đa năng Su-35 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã tấn công bằng vũ khí chính xác cao vào các cơ sở hạ tầng quân sự và các phương tiện do thám trên không của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
“Máy bay chiến đấu được triển khai ở các vị trí bay thấp, trung bình và cao. Trang bị trên máy bay Su-35 cho phép chúng có thể sử dụng vũ khí hàng không với độ chính xác tối đa”, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, Su-35 có các đặc điểm gần tiệm cận với thế hệ máy bay thế hệ thứ 5. Nó kết hợp những phẩm chất của máy bay chiến đấu hiện đại và máy bay chiến thuật.
Máy bay Su-35 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Ảnh: RIA Novosti |
Chuyên gia Dmitry Drozdenko của tạp chí Kho vũ khí Tổ quốc cho rằng “tính đa chức năng” của Su-35 cho phép kíp lái giải quyết toàn bộ các nhiệm vụ đề ra.
“Su-35 là loại máy bay hiện đại nhất của Lực lượng hàng không vũ trụ, sau Su-57. Các khả năng của cỗ máy này giúp nó có thể đạt được ưu thế trên không và tấn công nhiều mục tiêu trên mặt đất”, chuyên gia giải thích thêm.
Hôm 6-3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, máy bay của Lực lượng Phòng không vũ trụ và phòng không quân sự Nga đã bắn rơi 3 tiêm kích Su-27, 1 cường kích Su-25, 2 trực thăng Mi-24, cùng 8 UAV của Không quân Ukraine, trong đó có Bayraktar TB2.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn video ghi lại quá trình hoạt động chiến đấu của máy bay Su-35. Hình ảnh từ đoạn video cho thấy, trên giá treo của Su-35 có tên lửa chống radar tốc độ cao Kh-31P và tên lửa không đối không tầm trung R-77.
Kh-31P được phát triển tại Phòng thiết kế chế tạo máy Turaevskoye Soyuz. Đầu đạn có 3 mô-đun đầu dẫn radar thụ động (GOS) có thể hoán đổi cho nhau, và có thể bao phủ toàn bộ dải tần của mục tiêu radar.
Kh-31P có trọng lượng 600 kg, đầu đạn phân mảnh nổ cao nặng 87 kg. Nó có tầm bắn tối đa 110 km, độ cao từ 100 m đến 15.000 m. Việc tìm kiếm mục tiêu của đối phương được thực hiện bởi hệ thống trinh sát điện tử của máy bay hoặc thiết bị tìm kiếm của Kh-31P. Sau khi phát hiện mục tiêu, phi công điều chỉnh đường bay cho phù hợp và nhập dữ liệu chỉ định mục tiêu vào tên lửa.
Trong khi đó, R-77 là một biến thể của tên lửa máy bay K-77 của Liên Xô. Nó được đưa vào phục vụ năm 2011. R-77 có trọng lượng 190 kg, đầu đạn nặng 22,5 kg, tầm bắn 110 km. Nó có thể đạt tốc độ 4-4,5 Mach, độ cao bay đánh trúng mục tiêu từ 20 m đến 25.000 m.
Máy bay thế hệ 4 ++
Su-35 do Phòng thiết kế Sukhoi chế tạo trên cơ sở tiêm kích hạng nặng Su-27. Việc sản xuất máy được triển khai tại nhà máy hàng không mang tên Y.A. Gagarin ở Komsomolsk-on-Amur.
Xét về đặc điểm, Su-35 là thế hệ máy bay 4 ++, song có nhiều tính năng gần giống với máy bay thế hệ thứ 5. Điểm khác biệt cơ bản của máy bay này là ở hình dáng của thân sau, diện tích bánh lái tăng lên và cánh dày hơn, có thể đặt thêm 2 điểm treo đạn.
Trọng lượng cất cánh tối đa của Su-35 là 34,5 tấn. Phạm vi bay thực tế khi không cần tiếp nhiên liệu là 3.600 km. Máy bay có thể được sử dụng để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu, bao gồm các mục tiêu được bảo vệ bởi hệ thống phòng không, hay vị trí nằm cách xa từ căn cứ.
Ngoài đạn chống radar và tên lửa không đối không, Su-35 có khả năng ném bom và sử dụng vũ khí dẫn đường không đối đất và đạn không điều khiển thuộc dòng S-8, S-13, S-25. Khả năng thực chiến của Su-35 đã được chứng minh trên chiến trường Syria.
Theo báo cáo của nhà phát triển, Su-35 nổi bật nhờ hiệu quả cao trong không chiến tầm xa, với tầm bao quát rộng, theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu, cũng như trang bị hệ thống radar và quang điện tử hiện đại.
Su-35 được trang bị radar mảng pha Irbis-E, bảo đảm phát hiện và khoá các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 200 km, còn trong các điều kiện thông thường lên đến 350-400 km.
Hệ thống điều khiển kỹ thuật số của Su-35 cung cấp khả năng hoạt động trên không cho một nhóm tác chiến lên đến 16 máy bay. Tất cả các máy bay chiến đấu này đều có thể trao đổi dữ liệu ở chế độ tự động và phân phối mục tiêu.
Su-35 sử dụng 2 động cơ AL-41F-1S. Sản phẩm này là sự phát triển thêm của động cơ AL-31F lắp trên Su-27. Nó vượt trội hơn người tiền nhiệm về lực đẩy đốt sau và không đốt sau, có tuổi thọ gấp đôi.
MINH TUẤN (Theo RT)