Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, nằm ở cửa ngõ phía bắc của thủ đô Hà Nội, với 8 đơn vị hành chính gồm: thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn và 6 thị xã, huyện. Bắc Ninh có các đường giao thông lớn chạy qua, nối liền với các trung tâm kinh tế, thương mại và văn hoá lớn của miền Bắc.
Đặc biệt Bắc Ninh còn là cái nôi văn hóa của một vùng đất có nền văn hiến lâu đời. Nơi ấy có những dấu tích của một nền tín ngưỡng, một nét văn hóa nghệ thuật và một cái hồn dân tộc thể hiện đậm đà bản sắc qua những con người Kinh Bắc xưa và Bắc Ninh ngày nay.
Chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) từ lâu nổi tiếng bởi những nét chạm trổ độc đáo về nghệ thuật kiến trúc đặc sắc dưới thời Lê – Nguyễn và là điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh giá trị lịch sử, kiến trúc, hiện trong chùa còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận năm 2012 và ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án cùng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Các bảo vật đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ.
Độc đáo của chùa Bút Tháp là ngọn bảo tháp bằng đá, có tên là tháp Báo Nghiêm, bên trong thờ tượng Thiền sư Chuyết Chuyết. có 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đáo. Tầng dưới cùng của tháp có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú. Tháp là sự kết hợp điêu luyện của tài nghệ ghép đá với nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của những nghệ nhân xưa.
Đền Cùng - Giếng Ngọc
Đền Cùng ở khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh (còn gọi là làng Diềm). Đền Cùng đã nổi tiếng từ xưa, tương truyền quan quân triều đình đánh giặc dọc tuyến sông Cầu đến đây cầu đảo và thắng trận.
Nằm giữa sân đền Cùng là giếng Ngọc. Vào những ngày nóng bức, sau khi thăm quan và vào Đền dâng lễ, du khách thường không quên xin nước uống trong giếng Ngọc. Để lấy nước, du khách phải để giày, dép trên bờ và đi chân trần xuống dưới. Nước múc lên từ giếng có thể uống trực tiếp mà không cần lọc hay đun sôi, sẽ thấy vị mát lành và ngọt tự nhiên không đâu sánh được.
Ngoài ra còn có Nhà hát Quan họ Bắc Ninh, một công trình văn hóa mang ý nghĩa lớn lao với người dân quê hương Quan họ.
Hồ Cấm Sơn
Nằm thuộc địa phận các xã: Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn và Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; giáp ranh với hai huyện Hữu Lũng và Đình Lập của tỉnh Lạng Sơn, là một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, một địa danh du lịch hấp dẫn để tham quan, nghỉ mát.
Hồ Cấm Sơn được bao quanh bởi những ngọn núi điệp trùng tạo nên một khung cảnh thiên nhiên non nước thơ mộng, trữ tình. Tới hồ Cấm Sơn, du khách sẽ thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ khi di chuyển bằng thuyền. Cảm giác chòng chành khi mới xuống thuyền dần nhường chỗ cho sự thích thú trước không gian ngày càng rộng mở của hồ.
Ngoài việc khám phá thiên nhiên, du khách còn được trải nghiệm rất nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị ở hồ Cấm Sơn như: bơi thuyền, leo núi, câu cá… rất lý thú. Đến đây du khách, không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, cảm nhận bầu không khí trong lành của thiên nhiên mà còn được thưởng thức những sản vật tươi ngon mà những ngư dân khai thác được từ dưới hồ.
Bản Ven
là ngôi làng cổ truyền của người Cao Lan, được hình thành cách đây hơn 300 năm được nhiều người biết đến là điểm du lịch sinh thái - cộng đồng hấp dẫn thuộc địa phận xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 40km, cách Hà Nội khoảng 85km.
Đến với Bản Ven du khách không chỉ được tận hưởng bầu không khí trong lành, cuộc sống mộc mạc, đơn sơ nhưng vô cùng yên bình của người Cao Lan mà còn được thưởng thức các món ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng như: Chè xanh bản Ven, chè rừng, chè hoa vàng, xôi nếp cẩm, bánh vắt vai, thịt rừng, thịt lợn hương, thịt dê nướng, gà đồi quay, măng rừng, trám đen, mật ong rừng…