Điểm danh những quân đội hùng mạnh nhất ở Trung Đông

15/11/2023 05:46

Cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và Hamas đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến khu vực. Trong bối cảnh khủng hoảng, hãng tin Sputnik đã xếp hạng những quân đội mạnh nhất ở Trung Đông và mối liên hệ với cuộc xung đột đang diễn ra.

Quân đội Israel

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) được coi là một trong 5 lực lượng quân sự mạnh nhất tại Trung Đông. Kể từ khi được thành lập vào năm 1948, Israel đã trải qua hơn một chục cuộc chiến lớn, bắt đầu là Chiến tranh Ảrập - Israel vào năm 1948-1949.

Trong thời gian còn lại của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Israel đã chứng tỏ khả năng tham gia vào các chiến dịch tấn công và phòng thủ mà không quốc gia nào trong khu vực có thể sánh được. Israel chống lại lực lượng chung của Ai Cập, Jordan và Syria vào tháng 6/1967, đẩy Ai Cập và Syria vào thế bí trong Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, xâm chiếm Lebanon năm 1982 và chiếm đóng phần phía nam của nước này tới tận năm 2000, chống trả Phong trào Intifada lần 1 và 2 của người Palestine.

israel-1.jpg
Ảnh: CJS

Trong khi những cuộc xung đột trên chứng tỏ cho các nước láng giềng của Israel rằng quân đội của họ không thể bị đánh bại trong một cuộc chiến thông thường hay qua cuộc chiến cường độ thấp của các chiến binh Palestine thì các nguyên tắc chiến tranh đầu thế kỷ 21 chứng tỏ rằng dù có lợi thế về tiền, vũ khí và công nghệ nhưng IDF không phải là một lực lượng bất khả chiến bại.

Điều này được thể hiện rõ hơn trong cuộc chiến Lebanon năm 2006. Không giống các cuộc xung đột trước, Israel không thể giành được thắng lợi nhanh chóng. Trên thực tế, sau hơn 1 tháng giao tranh, IDF mất 121 binh sĩ, 1.244 người bị thương và 20 xe tăng Merkava bị phá hủy, hàng chục chiếc khác bị hư hại do các thiết bị nổ cải tiến và vũ khí chống tăng xách tay.

Lịch sử dường như đã lặp lại khi xung đột nổ ra giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza. IDF đã san bằng hầu hết các thành phố của dải đất ven biển này nhưng phải đối mặt với nhiều vấn đề khi tiến vào khu vực do Hamas nắm giữ. Ít nhất 365 binh sĩ Israel đã thiệt mạng kể từ ngày 7/10 và Hamas tuyên bố đã phá hủy hoặc vô hiệu hóa 136 phương tiện quân sự của Israel.

Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ước tính, IDF có 169.500 binh sĩ tại ngũ, 465.000 quân dự bị. Theo ước tính của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), ngân sách quân sự của Israel là 23,4 tỷ USD vào năm 2022, gồm cả 3,18 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm của Mỹ. IDF gồm 3 nhánh là bộ binh, không quân và hải quân cùng 4 bộ chỉ huy (Bắc, Trung, Nam và Mặt trận Nội địa).

Israel sở hữu một trong những tổ hợp công nghiệp - quân sự lớn nhất, đa dạng nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Israel sản xuất được nhiều loại máy bay, tên lửa, hệ thống tác chiến điện tử, radar và thậm chí cả vệ tinh. Với sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ, Israel có thể mua các hệ thống vũ khí mới nhất, tốt nhất của Mỹ, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên nhận được chiến đấu cơ F-35.

Israel được cho là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo SIPRI, Israel sở hữu tới 80 vũ khí hạt nhân có thể phóng từ máy bay và tên lửa.

Quân đội Iran

binh sĩ iran - epa.jpg
Ảnh: EPA

Iran là một cường quốc quân sự lớn khác ở Trung Đông. Quân thường trực của Iran là 350.000 người, thêm 37.000 quân nhân không quân, 18.000 quân nhân hải quân và 15.000 lính không quân, 230.000 thành viên của lực lượng tinh nhuệ Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.

Iran có số binh sĩ tại ngũ lớn nhất tại Trung Đông và ít nhất 350.000 quân dự bị có thể triệu tập bất kỳ lúc nào trong trường hợp khẩn cấp. Ngân sách quân sự của Iran vào khoảng 6,8 tỷ USD trong năm 2022.

Giống như Israel, Iran cũng trải qua nhiều cuộc xung đột và điều này mang lại cho binh sĩ của họ những kinh nghiệm chiến đấu quan trọng. Cuộc chiến Iran - Iraq năm 1980 đã mang lại cho Iran các bài học quan trọng. Thứ nhất, đó là không thể dựa vào phương Tây về vũ khí. Thứ hai, máy bay không người lái (UAV) có thể là một công cụ hiệu quả trong chiến tranh. Iran đã phát triển UAV đầu tiên trong lúc chiến tranh với Iraq. Thứ ba, việc phát triển và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt là không cần thiết để đảm bảo sống còn.

Iran cũng được cho là có ngành công nghiệp quân sự nội địa phức tạp nhất ở Trung Đông. Họ sản xuất được UAV trinh sát, UAV tấn công và UAV cảm tử, tên lửa đạn đạo và hành trình, tên lửa siêu vượt âm Fattah mới ra mắt mắt đầu năm nay, hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tiên tiến như Bavar-373, 3rd Khordad và một loạt hệ thống tác chiến điện tử, radar.

Trên hết, vị trí địa lý và mạng lưới liên minh đã mang lại cho Tehran khả năng tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự tổng thể của nước này. Chúng bao gồm quan hệ đối tác an ninh với Syria và Lebanon, vốn cho phép Iran triển khai sức mạnh tới bờ biển Địa Trung Hải vào tạo cho Tehran có khả năng độc lập đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng mà 30% tổng lượng dầu của thế giới đi qua. Trong trường hợp căng thẳng với Israel và Mỹ gia tăng, Iran có thể sử dụng hệ thống phòng thủ bờ biển để nhắm vào hàng hóa thương mại của đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Những khả năng này khiến Iran đứng thứ hai trong danh sách các cường quốc quân sự lớn ở Trung Đông.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong NATO sau Mỹ, đồng thời là một trong những cường quốc quân sự lớn ở Trung Đông. Nước này có 355.200 quân nhân tại ngũ và 378.700 quân dự bị, cùng một loạt căn cứ nằm rải rác trong khu vực. Sự hỗ trợ của Ankara đối với bất kỳ hoạt động nào của các đồng minh phương Tây trong khu vực đều rất quan trọng.

Theo dữ liệu của IISS, 260.200 trong tổng số 355.200 quân của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm lục quân, không quân và hải quân. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn có khoảng 156.800 lực lượng bán quân sự, bao gồm cảnh sát biển và hiến binh - lực lượng thuộc Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm duy trì trật tự công cộng trong thời bình và trực thuộc lục quân trong thời chiến.

Năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã phân bổ 16 tỷ USD cho quốc phòng và an ninh. Ngành công nghiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất mọi thứ từ UAV cho đến tàu chiến, tên lửa hành trình nội địa, trực thăng ATAK và xe tăng chiến đấu chủ lực Altay - một phiên bản phái sinh của K2 Black Panther Hàn Quốc.

Các chiến dịch quân sự gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ nhìn chung khá thành công. Nước này đã thu hút thành công lực lượng dân quân người Kurd (vốn đòi độc lập hoặc tự trị lớn hơn) ở phía đông nam đất nước, phát động các cuộc tấn công vào Syria và Iraq để đối phó với các lực lượng dân quân liên minh với những chiến binh này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ chiến dịch do NATO dẫn đầu nhằm tiêu diệt lực lượng của Muammar Gaddafi ở Libya vào năm 2011, góp phần dẫn tới việc lật đổ nhân vật này. Sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Chính phủ Hiệp định Quốc gia có trụ sở tại Tripoli nắm giữ quyền lực ở nửa phía Tây Libya.

Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tiếp cận nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài, gồm cả căn cứ Pasha Liman ở Albania, Trung tâm giám sát ngừng bắn ở vùng Karabakh của Azerbaijan, Bosnia, Iraq, Kosovo, Libya, bắc Cyprus, Qatar, Somalia và Syria.

Trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ ngoại giao đối với Palestine và Hamas trong khi không có động thái nào chống lại Israel mà Mỹ và Israel có thể coi là thù địch.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nhung-quan-doi-hung-manh-nhat-o-trung-dong-2214597.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/nhung-quan-doi-hung-manh-nhat-o-trung-dong-2214597.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm danh những quân đội hùng mạnh nhất ở Trung Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO