Điểm danh những bê bối và 'giọt nước tràn ly' khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải từ chức

Quang Đào| 08/07/2022 17:39

Sau nhiều bê bối chính trị cũng như áp lực từ chính nội các của mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã buộc phải từ chức vào ngày 7/7.

Ngày 7/7, trong một bài phát biểu trước cửa số 10 phố Downing, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và cùng với đó là chức Thủ tướng Anh. Tuy nhiên, ông Johnson sẽ vẫn tiếp tục vai trò lãnh đạo Chính phủ Anh cho đến khi đảng Bảo thủ cầm quyền bầu lãnh đạo mới vào mùa Thu tới.

Ngày 7/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson chính thức thông báo ông sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh. (Nguồn: Shutterstock)
Ngày 7/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson chính thức thông báo ông sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh. (Nguồn: Shutterstock)

“Rõ ràng ý nguyện của đảng Bảo thủ là cần có một nhà lãnh đạo mới của đảng, do đó sẽ có một thủ tướng mới. Thời gian bầu lãnh đạo mới của đảng sẽ được công bố vào tuần tới”, ông Johnson phát biểu.

Theo giới quan sát, sự từ chức của ông Johnson đánh dấu sự sa sút đáng kể đối với một thủ tướng từng được coi là người có siêu quyền lực chính trị, với sức hấp dẫn vượt qua các đường lối truyền thống của đảng.

Cách đây chưa đầy 3 năm, tại cuộc tổng tuyển cử, ông Johnson đã dẫn dắt đảng Bảo thủ và giành chiến thắng vang dội, khi giành được nhiều số ghế nhất tại Hạ viện trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Ông đã hứa đưa ra một thỏa thuận Brexit và đưa nước Anh tới một tương lai tươi sáng bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, thời gian qua, ông Johnson đã vướng phải không ít chỉ trích, từ những scandal liên quan tới phòng chống dịch Covid-19, khả năng lãnh đạo đất nước, cho tới việc phải đương đầu với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm... Tất cả những áp lực này đã khiến Thủ tướng Anh buộc phải từ chức.

Bắt đầu với "Partygate"

Vụ bê bối tiệc tùng, còn gọi là “Partygate”, xảy ra vào ngày 20/5/2020 trong khuôn viên Văn phòng Thủ tướng Anh, số 10 phố Downing, nơi Thủ tướng Anh vừa sinh sống và làm việc. Bữa tiệc đó có sự góp mặt của ông Johnson.

Điều đáng nói rằng, vào thời điểm bữa tiệc trên được tổ chức, giới chức Anh đã ban bố hàng loạt lệnh hạn chế phòng dịch Covid-19. Vì lẽ đó, bữa tiệc tại Văn phòng Thủ tướng Anh khiến dư luận phẫn nộ, còn phe đối lập yêu cầu ông Johnson từ chức.

Ông Johnson đã phải chịu án phạt từ cảnh sát, nhưng chỉ phải đóng phạt vỏn vẹn 50 Bảng. Đồng thời, ông cũng đã nhiều lần gửi lời xin lỗi tới người dân cũng như Quốc hội Anh. Tuy vậy, ông Johnson đã phải đối mặt với không ít lời chỉ trích khi chính bản thân ông, người đứng đầu chính phủ, lại vi phạm điều luật quan trọng nhất khi cả đất nước đang gặp khó khăn.

Chỉ trích về cách điều hành đất nước

Chưa dừng lại tại đó, một loạt các bê bối quấy rối tình dùng liên quan đến Nghị sĩ Chris Pincher của đảng Bảo thủ, một trong những quan chức chịu trách nhiệm thực thi kỷ luật hàng đầu của Chính phủ Anh, cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới vị thế của ông Johnson.

Sau khi ông Pincher từ chức, Thủ tướng Johnson đã phải xin lỗi vì bổ nhiệm ông vào một vị trí quan trọng trong đảng Bảo thủ, ngay cả sau khi được thông báo rằng chính trị gia này là đối tượng bị khiếu nại về hành vi liên quan tới quấy rối tình dục.

Bên cạnh đó, theo số liệu chính thức do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố gần đây cho thấy lạm phát trong năm của Anh đã lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương người lao động, giá cả sinh hoạt của người dân và tạo thêm sức ép đối với Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong việc duy trì nâng lãi suất.

Cụ thể, lạm phát tại Anh đã tăng từ mức 9% trong tháng 4/2022 lên 9,1% trong tháng 5/2022 - mức cao nhất kể từ năm 1982. BoE dự báo lạm phát có khả năng sẽ tăng lên mức 11% trước cuối năm nay do giá năng lượng tăng mạnh.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Ở Anh, việc loại bỏ một Thủ tướng là điều khó, nhưng không phải là không thể làm được. Chức vụ Thủ tướng thuộc về lãnh đạo của chính đảng chiếm đa số trong Quốc hội. Đảng đó có thể phế truất nhà lãnh đạo của mình và chọn một người khác, thay đổi mà không cần tổ chức tổng tuyển cử. Một trong những cách đó là tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng.

Ngày 6/6 vừa qua, khoảng 54 nhà lập pháp bảo thủ tại Hạ viện viết một lá thư mật cho Ủy ban của đảng Bảo thủ nói rằng họ không tín nhiệm ông Johnson, viện dẫn vụ bê bối Partygate và lo ngại về cách Thủ tướng điều hành nền kinh tế.

Ngay tối hôm đó, buổi bỏ phiếu bất tín nhiệm đã được tổ chức. Ông Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu này với 211 phiếu tín nhiệm (khoảng 60% số nhà lập pháp đảng Bảo thủ tại Hạ viện Anh), và 148 phiếu bất tín nhiệm. Số phiếu chống cao bất thường đã làm lung lay quyền lực của Thủ tướng Anh.

Anh đang 'nín thở' đón chờ tân Thủ tướng. (Nguồn: Getty)
Anh đang 'nín thở' đón chờ tân Thủ tướng. (Nguồn: Getty)

"Giọt nước tràn ly"

Đối với một thủ tướng đang đối mặt với không ít thách thức, việc chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm là điều cần thiết, nhưng không phải là điều kiện đủ.

Trước đây, cựu Thủ tướng Margaret Thatcher và cựu Thủ tướng Theresa May đều buộc phải từ chức sau trong vòng một năm sau khi chiến thắng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, cả bà Thatcher và bà May đều có số lượng phiếu ủng hộ cao hơn ông Johnson rất nhiều.

Một yếu tố chính khiến một Thủ tướng phải từ chức là liệu các bộ trưởng trong nội các chính phủ đó có “nổi loạn” hay không.

Trong quá khứ, chất xúc tác khiến bà Thatcher phải rời ghế là việc cựu Ngoại trưởng Anh Geoffrey Howe, một trong những đồng minh thân cận nhất của bà, từ chức năm 1990 với bài phát biểu trong đó đổ lỗi cho chính sách xa lánh với châu Âu của "bà đầm thép".

Đối với bà May, đó là việc chính ông Boris Johnson tuyên bố không đảm nhận chức Ngoại trưởng vào năm 2018.

Tối ngày 5/7, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã từ chức, đẩy chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson vào khủng hoảng. Những ngày tiếp theo, khoảng 50 bộ trưởng, quan chức chính phủ Anh đã đồng loạt nộp đơn nghỉ việc. Tất cả đều bày tỏ không tán thành sự lãnh đạo của Thủ tướng Johnson, sau khi nhà lãnh đạo nước Anh liên tục phải đối mặt với nhiều bê bối và chỉ trích thời gian qua.

Áp lực đè lên vai Thủ tướng Anh là vô cùng nặng nề. Cuối cùng, vào chiều ngày 7/7, Ông Boris Johnson đã chấp nhận từ chức. Giờ đây, không chỉ riêng người dân Anh, thế giới cũng đang ngóng chờ xem ai sẽ là người đủ khả năng thay thế ông Johnson.

Theo cuộc thăm dò trên YouGov sự tham gia của 716 thành viên của đảng Bảo thủ, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace là ứng cử viên tiềm năng nhất cho vị trí lãnh đạo đảng và tân Thủ tướng Anh.

Ông Wallace giành được sự ủng hộ từ 13% tổng số người được khảo sát. Quốc vụ khanh phụ trách chính sách thương mại thuộc Bộ Thương mại Quốc tế Penny Mordaunt nhận được 12% phiếu bầu. Ở vị trí thứ 3, với 10% tỷ lệ ủng hộ, là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak - người đầu tiên từ chức vì bất đồng với ông Boris Johnson. Vị trí thứ 4 thuộc về Ngoại trưởng Liz Truss (8%).0

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/diem-danh-nhung-be-boi-va-giot-nuoc-tran-ly-khien-thu-tuong-anh-boris-johnson-buoc-phai-tu-chuc-190092.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/diem-danh-nhung-be-boi-va-giot-nuoc-tran-ly-khien-thu-tuong-anh-boris-johnson-buoc-phai-tu-chuc-190092.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm danh những bê bối và 'giọt nước tràn ly' khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải từ chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO