* Mời bạn đọc tải bản e-paper tại đây.
Trong đợt dịch COVID-19 năm 2021, nhiều hoạt động y tế như: tư vấn, khám bệnh, mua thuốc, theo dõi sức khỏe, xem kết quả xét nghiệm, chứng nhận tiêm chủng… từng bước được số hóa bằng các kết nối internet, ứng dụng trên điện thoại di động.
Đó là những ứng dụng của công nghệ vào dịch vụ y tế mà Vũ Thanh Long, nhà sáng lập, tổng giám đốc ứng dụng chăm sóc y tế trực tuyến eDoctor, đã “nhìn thấy” và quyết tâm theo đuổi từ năm 2014 đến nay. Nhận định về “thành tựu” y tế Việt Nam đã đạt được từ đại dịch bệnh COVID-19, anh Long chia sẻ:
Mặc dù bắt đầu không tốt, nhưng công nghệ đã thực sự có đóng góp lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam. Ngoài theo dõi thông tin, quản lý tình trạng tiêm chủng... thì đóng góp lớn nhất của công nghệ hiện nay là giúp cho người dân tiếp cận với dịch vụ y tế thuận tiện hơn, làm quen dần với dịch vụ y tế từ xa, khám chữa bệnh từ xa, bao gồm cả theo dõi và khám chữa bệnh COVID-19.
- Dịch vụ y tế công nghệ có thể giúp được gì, làm được gì trong việc chăm sóc sức khỏe người dân cũng như y tế xã hội, ngoài những điều kể trên?
Chẳng hạn, nhiều nước trên thế giới đã triển khai trí tuệ nhân tạo AI trực tiếp vào khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe qua nền tảng số cho người dân một cách lâu dài bằng nhiều thiết bị đeo, các kĩ thuật như đo sinh hiệu, điện tim, chụp phim và thậm chí cả cộng hưởng từ đều được thực hiện từ xa, thực hiện tại nhà nhờ việc ứng dụng công nghệ.
Y tế công nghệ sẽ còn tiếp tục phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân, cụ thể là tham gia và đóng góp ngày càng sâu vào y tế công cộng, y tế dự phòng. Với công nghệ, mọi người dân, mọi gia đình đều có thể tiếp cận với các trợ giúp về sức khỏe ngay tại nhà vào bất cứ thời điểm nào.
Các tính năng thông minh của ứng dụng công nghệ sẽ tiếp tục tiến hóa và đem đến các ứng dụng thiết thực, giúp người dân hiểu và quản lý được tình trạng sức khỏe của mình một cách chủ động, từ việc đưa ra các khuyến nghị hay cảnh báo sớm về tình trạng sức khỏe, cho đến các lời khuyên hay hướng dẫn tập luyện, thay đổi thói quen để ngăn ngừa các bệnh có nguyên nhân từ sinh hoạt hay chế độ dinh dưỡng.
- Là một trong những startup y tế công nghệ đi đầu tại Việt Nam hiện nay, eDoctor đã làm được gì trong việc chăm sóc sức khỏe người dân?
Thông qua ứng dụng eDoctor, người dân có thể gọi ngay bác sĩ khi cần có tư vấn, giải đáp bất kỳ thắc mắc về sức khỏe, bệnh tình… mà không phải trực tiếp đi đến các phòng khám. Hoặc người dân có thể đăng ký dịch vụ xét nghiệm tổng quát (được hầu hết bác sĩ chỉ định trong các trường hợp khám chữa bệnh) ngay tại nhà mà không cần phải trực tiếp làm tại bệnh viện. Hoặc người dân có thể mua thuốc trực tuyến và được giao tận nhà và nhiều dịch vụ y tế tiện lợi khác.
Hiện eDoctor vẫn tiếp tục phát triển nền tảng công nghệ và phát triển hệ sinh thái của mình để đem đến cho người dùng các tính năng thiết thực và ngày càng thông minh, giúp cho người dùng tiếp cận với thông tin và dịch vụ y tế một cách chính xác, kịp thời và thuận tiện nhất.
eDoctor đang từng bước hiện thực mô hình dịch vụ bác sĩ gia đình trực tuyến, trong đó ứng dụng công nghệ thông minh và dịch vụ của chuyên gia y tế cùng chăm sóc sức khỏe của người dân mọi lúc mọi nơi.
- Theo anh, bản thân các doanh nghiệp y tế công nghệ cần làm gì và được hỗ trợ gì để lan tỏa dịch vụ đến ngày càng đông đảo người dân?
Người dân Việt Nam có nhu cầu vô cùng lớn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Với tỷ lệ rất cao người dân có sử dụng internet và thiết bị thông minh, tiềm năng và nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế số rất lớn.
Các doanh nghiệp y tế công nghệ chỉ có lựa chọn duy nhất là phát triển ứng dụng và hệ sinh thái của mình để đưa ra các tính năng và ứng dụng thiết thực hơn, lan tỏa ngày càng đông đảo người dân. Còn cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để ủng hộ việc triển khai dịch vụ y tế từ xa, là mô hình mà ứng dụng công nghệ có thể được phát huy tốt nhất.