Dịch vụ cầm cố, thanh lý tài sản tăng mạnh

15/05/2022 09:40

Hậu quả của dịch COVID-19 khiến không ít người giảm sút thu nhập, mất việc làm và phải tìm đến các dịch vụ cầm cố, thanh lý tài sản.

Dù dịch bệnh đã tạm qua đi nhưng những hậu quả của nó vẫn đang khiến cuộc sống không ít người lâm cảnh khó khăn. Trong đó có gia đình anh Trần Văn Nên ở Q.Bình Tân, TPHCM. Vợ chồng anh, người là công nhân, người chạy xe công nghệ, thu nhập giảm mạnh, thậm chí giờ phải thất nghiệp khiến khoản tiền tiết kiệm ít ỏi của gia đình cạn sạch. Anh Nên đã phải đem chiếc xe máy đến tiệm cầm đồ để vay tiền.

Khách đang chọn mua sản phẩm thanh lý tại shopthanhly.vn của Công ty VietMoney - ẢNH: H.LÀI
Khách đang chọn mua sản phẩm thanh lý tại shopthanhly.vn của Công ty VietMoney - Ảnh: H.Lài

Chủ tiệm cầm đồ Ngọc Phước (đường số 4, Q.Bình Tân, TPHCM) cho biết, kể từ khi có dịch COVID-19, lượng khách đem tài sản cầm cố tăng khoảng 20-30% so với lúc trước. Ngay cả thời điểm hiện tại, lượng khách vẫn cứ tăng chứ không giảm. Thường là khách sẽ cầm tài sản là điện thoại, máy tính, xe máy, trang sức… từ 15 -30 ngày. Tùy theo độ mới cũ mà giá cầm cố bằng 30 - 70% giá trị tài sản, lãi suất khoảng 2% nếu vay trong mười ngày và khoảng 5%/tháng nếu vay trong một tháng.

“Có người cầm cố cả giấy tờ tùy thân để vay 200.000 - 300.000 đồng”, một chủ hiệu cầm đồ trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh chia sẻ.

Nhân viên cửa hàng thuộc hệ thống cầm đồ F88 trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, cho biết: Nhu cầu vay cầm cố tăng khoảng 60-70% so với thời điểm trước dịch. “Có 70-80% tài sản cầm cố là xe máy, ô tô do giá trị cầm cố và khoản tiền vay nhận được khá cao, còn lại là máy tính và điện thoại. Đối tượng vay cầm cố chủ yếu là tài xế xe công nghệ, công nhân, tiểu thương, người lao động tự do, dân văn phòng…”, một nhân viên tại cửa hàng cho biết.

Ông Trịnh Văn Phương - sáng lập kiêm CEO VietMoney - cho biết giữa bối cảnh vật giá leo thang, nhu cầu tìm mua hàng hiệu đã qua sử dụng cũng tăng. Nhiều chuỗi cầm đồ hiện đã phát triển cả mô hình thanh lý tài sản cầm cố. Ở chiều ngược lại, nhu cầu bán tài sản đang cầm cố cũng tăng. Nhiều người muốn tiết kiệm chi tiêu nên chọn tìm mua hàng thanh lý. “Sau dịch, lượng tài sản cầm cố khách muốn bán đứt dồn chật cả kho. Công ty đã thử nghiệm mở cửa hàng thanh lý thì chỉ trong vài ngày, toàn bộ lượng hàng tồn này được bán hết” - ông Trịnh Văn Phương nói.

Chuỗi cửa hàng cầm đồ F88 cũng có riêng cửa hàng chuyên bán tài sản cầm cố của những khách không có nhu cầu chuộc lại tài sản. Tài sản tại đây cũng được niêm phong nguyên vẹn trong suốt quy trình cầm cố, được đổi trả trong ba ngày. “Phần lớn tài sản thanh lý tại cửa hàng đều là xe máy, có mức giá từ 15 - 92 triệu đồng/chiếc. Nhu cầu khách mua xe cũ khá cao, loại xe được chuộng có mức giá dao động khoảng 15 - 36 triệu đồng/chiếc”, nhân viên kho tài sản cầm cố tại F88 nói.

Theo tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - thị trường thanh lý đồ cũ phát triển mạnh sau đại dịch COVID-19 không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Theo một cuộc khảo sát do Liên đoàn Thương mại Bỉ (Comeos) thưc hiện, trong năm 2021, doanh thu sản phẩm máy tính đã qua sử dụng tại nước này là 332 triệu Euro; hàng thời trang: 324 triệu Euro; ti vi và các sản phẩm âm thanh: 196 triệu Euro; đồ nội thất: 140 triệu Euro và điện thoại thông minh là 134 triệu Euro. Trên trang thương mại điện tử eBay (Mỹ), hoạt động mua bán đồ đã qua sử dụng tăng vọt, trong năm 2020 công ty đã bán hơn 60 triệu món đồ cũ. Tại Trung Quốc, trong năm 2021 có khoảng 202 triệu người đã mua đồ cũ trên các nền tảng trực tuyến, tăng lên mức 183 triệu người so với hồi năm 2020.

“Hầu hết các chuỗi cầm đồ hiện đại ngày nay đều có vốn từ nước ngoài. Đón đầu xu hướng thị trường thanh lý lên ngôi, họ đã nhanh chóng ra mắt các trang chuyên thanh lý tài sản cầm cố. So với các trang bán đồ thanh lý trực tuyến hiện nay, người mua không biết người bán là ai, không rõ sản phẩm tốt hay không thì các cửa hàng thanh lý này sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng và sẽ phát triển trong tương lai” - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nói.

Ông Trịnh Văn Phương cho biết thêm, có nhiều lý do khiến đồ thanh lý hút khách. Thứ nhất, do chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứt gãy, nhiều mặt hàng model (kiểu) mới bị giảm số lượng. Thứ hai, sau đại dịch, thu nhập giảm sút, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu hợp lý hơn, chuộng mua sản phẩm cũ, chất lượng tốt để tiết kiệm chi phí.

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ cầm cố, thanh lý tài sản tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO