Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc là bệnh dễ xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là vào khoảng thời tiết nắng mưa thất thường. Hiện nay, dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, môi trường ô nhiễm làm tăng nguy cơ tiếp xúc với vi sinh vật gây đau mắt đỏ nên phụ huynh cần hết sức cẩn thận khi chăm sóc bé tại nhà.
Đau mắt đỏ có thể do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng (viêm kết mạc dị ứng). Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị khác nhau cho trẻ. Để phòng tránh bệnh cho con, cha mẹ nên lưu ý một số điều sau.
1. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
- Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Không dùng tay bẩn để dụi mắt.
- Dùng riêng khăn với các thành viên khác.
- Rửa tay sạch sẽ và đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chơi đùa.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, khuyến khích trẻ uống nhiều nước.
- Đảm bảo quần áo sạch sẽ.
- Giữ gìn không gian sống gọn gàng, ngăn nắp, thường xuyên giặt giũ.
2. Không tiếp xúc với người đang bị đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có thể lây từ người này sang người khác qua những cách sau: Do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh qua đường nước mắt, dịch mắt, do chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như nắm cửa, điều khiển, chìa khóa,... hoặc có thể do dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân như khăn mặt, bàn chải, gối...
3. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất
Bố mẹ cố gắng lên thực đơn sao cho đảm bảo chất dinh dưỡng thông qua đủ các nhóm thực phẩm. Cụ thể:
- Vitamin B: để gây cảm giác thèm ăn. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin B gồm có thịt heo, lươn, trứng, đỗ tương, chuối... Buổi sáng nếu trẻ uể oải không muốn ăn thì một trái chuối cũng có thể cung cấp rất nhiều năng lượng.
- Vitamin C: có rất nhiều trong rau và hoa quả như rau cải, súp lơ xanh, ớt chuông xanh, những loại rau màu vàng và màu xanh... Ngoài ra vitamin C cũng giúp giảm stress rất tốt nên những mẹ bị stress với việc chăm con cũng rất cần bổ sung chất dinh dưỡng này cho cơ thể.
- Những loại rau giúp phục hồi sinh lực, tăng sức đề kháng và phòng cảm cúm: như cà tím, bí ngô, cà chua, dưa chuột, khổ qua...
Lưu ý bố mẹ nên:
- Hạn chế nguy cơ gia tăng vi khuẩn bằng cách giữ thực phẩm ở nhiệt độ thấp như cho vào tủ lạnh.
- Cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, nên khử độc thường xuyên sau khi dùng xong nếu cần thiết.
4. Cho con vận động nhiều và đi ngủ sớm
- Vận động thật nhiều vào mỗi buổi sáng giúp cho trẻ tăng cường sức khỏe và đề kháng.
- Đảm bảo trẻ ăn uống đầy đủ ngày 3 bữa, đi ngủ sớm, dậy sớm đúng giờ giấc.
5. Lưu ý trường hợp nặng cần đưa trẻ đi viện
Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm kết mạc, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn trong vài ngày sau đó. Mắt bớt đỏ, bớt chảy nước mắt, trẻ không còn bị ngứa mắt, xốn mắt và có thể trở lại học tập, vui chơi như bình thường.
Tuy nhiên, trong những ngày chăm sóc con tại nhà, nếu thấy 5 triệu chứng dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám sớm tại phòng khám chuyên khoa mắt:
- Các triệu chứng không thuyên giảm trên 10 ngày.
- Thay đổi trong tầm nhìn.
- Đau mắt dữ dội.
- Nhạy cảm quá mức với ánh sáng.
- Sưng húp mí mắt.
Các dấu hiệu trên có thể khiến nghi ngờ đến khả năng viêm kết mạc biến chứng. Lúc này, việc can thiệp y tế chuyên biệt là vô cùng cần thiết giúp bảo vệ đôi mắt cho con bạn.
Hy vọng các em bé đều khỏe mạnh qua mùa dịch nhé!
Theo Tổ Quốc