Theo bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 7/7 của Bộ Y tế, nước ta có 913 ca Covid-19 mới, bệnh nhân nặng tăng hơn so với ngày 6/7.
Cụ thể, số bệnh nhân đang thở oxy là 35 ca, trong đó 27 ca thở oxy qua mặt nạ, 5 ca thở oxy dòng cao HFNC, 3 ca thở máy xâm lấn. Số bệnh nhân cần phải thở oxy vào ngày 6/7 là 29 người (21 ca thở oxy qua mặt nạ, 4 ca thở oxy dòng cao HFNC, 4 ca thở máy xâm lấn).
Đáng chú ý, đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở nước ta duy trì ở mức cao trên 900 ca/ngày. Trong khi vào tháng 6, số mắc chững lại ở khoảng 600-700 ca mỗi ngày.
Riêng tại Hà Nội, trong tuần (từ ngày 28/6 đến ngày 4/7), TP có 1.538 ca mắc Covid-19. Trung bình ghi nhận 220 ca bệnh/ngày, tăng 36,5% so với tuần trước. Trong những ngày gần đây số mắc mới có xu hướng tăng nhanh (ngày 1/7 ghi nhận 298 ca bệnh/ngày).
Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron tại cộng đồng. Biến thể này có khả năng lây lan mạnh hơn so với các biến thể trước đó.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) số mắc tăng trong thời gian qua là vì giảm miễn dịch do mắc phải hoặc do tiêm vaccine, người dân chủ quan không áp dụng 5K khi nới lỏng, gia tăng việc đi lại, giao thương... Vì thế, người nào chưa mắc thì sẽ mắc, trường hợp nào đã mắc lâu hoặc miễn dịch do vaccine suy giảm thì sẽ nhiễm lại. Đặc biệt là sự xuất hiện của hai biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 có khả năng thoát miễn dịch. Những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Diễn biến này tại nước ta cũng giống với nhiều nước trên thế giới.
"Thời gian qua số ca mắc Covid-19 tại nước ta giảm sâu, người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là. Nhiều người không còn thói quen đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, trong không gian kín…", PGS Phu nói.
Theo ông, đeo khẩu trang là biện pháp dự phòng các nhân phòng chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp không chỉ với bệnh Covid-19 mà cả cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Trong lúc này, chúng ta cần linh hoạt trong việc đeo khẩu trang.
Thứ nhất, có thể không cần phải đeo khẩu trang ở môi trường thoáng khí như khi tập thể dục, khu vực ngoài trời, không tiếp xúc gần. Tuy nhiên, tại những khu vực nguy cơ cao như phòng kín, tiếp xúc gần với người có triệu chứng thì nên đeo.
Thứ 2, tại nơi đông người có điều kiện thì nên đeo khẩu trang để phòng bệnh một cách linh hoạt.
Thứ 3, tại khu vực ngoài trời, không có nguy cơ cao thì có thể dùng khẩu trang vải, vừa chống ô nhiễm bụi bẩn lại có thể tái sử dụng, giặt đi giặt lại dùng nhiều, tránh việc lãng phí khẩu trang y tế. Nếu toàn bộ người dân đều đeo khẩu trang y tế thì không những tốn kém về kinh tế mà còn làm ô nhiễm môi trường vì hằng ngày thải bỏ lượng lớn do không tái sử dụng được.
"Trong thời điểm này, việc đeo khẩu trang là cần thiết đặc biệt khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại nhưng cần có sự linh hoạt. Người dân không nên chủ quan, bỏ hoàn toàn việc đeo khẩu trang, điều này rất nguy hiểm. Đặc biệt khi vào các cơ sở y tế, tiếp xúc với người có triệu chứng thì càng cần phải đeo khẩu trang", TS Phu nhấn mạnh.
Theo ông, chúng ta vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, trong đó khuyến khích và nêu cao ý thức phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, phòng bệnh trong môi trường kín, tiếp xúc gần trong đám đông… Người ho, sốt, khó thở không nên đến chỗ đông người, chủ động giữ khoảng cách với người khác. Ngược lại, người lành không tiếp xúc với người có triệu chứng ho, sốt để phòng bệnh…
Bên cạnh đó, tiêm vaccine cũng cần được lưu ý, trong đó cần tiêm nhắc lại cho các đối tượng nào để đảm bảo duy trì miễn dịch.
Tại phiên họp lần thứ 15 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo tiếp tục nhấn mạnh tinh thần tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Không người dân nào an toàn khi người dân khác còn mắc bệnh Covid-19. Không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch. Không có quốc gia nào an toàn khi các quốc gia khác còn phải chống dịch.