Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện nay số ca mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh gia tăng ở hầu hết các quận huyện, Thành phố Thủ Đức. Riêng bệnh sốt xuất huyết đã ghi nhận 06 ca tử vong từ đầu năm đến nay.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 1.599 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. Trong tuần 19 (từ ngày 06/05/2022 đến 12/05/2022), thành phố ghi nhận thêm 628 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. số ca bệnh tiếp tục tăng cao so với trung bình 4 tuần trước đó.
Số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận huyện, TP. Thủ Đức. Các quận huyện có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước là Quận 8, Bình Tân, Khu vực 2 và 3 của TP. Thủ, Bình Chánh, Tân Phú.
Từ ngày 6/5 đến 12/5, thành phố ghi nhận thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết tại quận 11 và huyện Hóc Môn. Như vậy, số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 6 trường hợp.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. |
Trong tuần 19, thành phố ghi nhận 1.160 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 590 ca tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Theo BSCK II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố gần đây mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 100-120 trẻ đến khám, tăng gấp đôi so với đầu tháng. Đa số trẻ đến khám mắc bệnh nhẹ, một số ít phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng phải thở máy.
BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết mới đầu mùa mưa tại TP.HCM nhưng dịch sốt xuất huyết đã phức tạp. BS Khanh cho rằng quan sát dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay giới truyền nhiễm TP.HCM vô cùng lo lắng, nếu mưa nhiều hơn có thể bùng phát dịch. BS Khanh cho rằng nếu không phòng dịch ngay thì dịch có thể lan rộng hơn. Mỗi người phải có ý thức diệt muỗi và lăng quăng, cùng nhau dọn dẹp môi trường quanh nhà.
Khi đang có cả dịch Covid-19, tay chân miệng ở trẻ, sốt xuất huyết, bác sĩ Khanh hướng dẫn nếu trong nhà có người bị sốt thì chỉ cần mua thuốc hạ sốt và vitamin.
Trường hợp xét nghiệm biết chắc chắn bệnh sốt xuất huyết thì vẫn dùng thuốc hạ sốt nhưng phải cẩn trọng, tránh dùng quá nhiều dẫn đến tổn thương gan. Những trường hợp sốt cao cần phải tiếp cận bác sĩ để được xét nghiệm máu, không được chần chừ tránh biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Nếu bệnh nhân có cơ địa bình thường, được xét nghiệm và điều trị sớm thì hầu như không có biến chứng. Còn những người có cơ địa đặc biệt, chẳng hạn như béo phì thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn và dễ có biến chứng hơn.
BS Khanh cho biết người bệnh chờ đến khi có các dấu hiệu nặng như: tay chân lạnh, tím tái, mạch không bắt được… mới đến bệnh viện thì việc điều trị sẽ rất khó khăn.
Với bệnh sốt xuất huyết, nếu đến viện sớm thì việc điều trị rất nhẹ nhàng. Còn nếu đến trễ, việc điều trị sẽ phức tạp, tốn kém. Bệnh nhân có thể cần truyền dịch (thậm chí truyền dịch này không được phải đổi dịch khác), lọc máu, thở máy, sau đó bệnh nhân có thể bị bội nhiễm thêm, tổn thương nhiều cơ quan, khó hồi phục.
Phụ huynh cần theo dõi, cảnh giác các dấu hiệu như sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, ngủ gà, chới với, hay giật mình, hoảng hốt, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, run tay chân, co giật, vã mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân, da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.
Khánh Chi