Qua kết quả giám sát tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn TP Kon Tum tính đến ngày 19.9, Trung tâm Y tế thành phố ghi nhận 1.278 trường hợp mắc bệnh. Thời điểm bùng phát dịch bệnh khi học sinh vừa bước vào năm học mới, kéo theo nguy cơ bệnh có khả năng lây lan trên diện rộng.
Trung tâm Y tế TP Kon Tum đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp đau mắt đỏ trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, triển khai triệt để các biện pháp khống chế.
Tại trường Tiểu học Trần Phú, nhà trường và giáo viên nhanh chóng có các biện pháp phòng ngừa dịch. Đội ngũ giáo viên thường xuyên vệ sinh lớp học, môi trường sinh hoạt xung quanh. Đồng thời, nhân viên y tế của trường trực tiếp hướng dẫn học sinh về các triệu chứng của bệnh và biện pháp phòng dịch đơn giản như rửa tay bằng xà phòng, không đưa tay lên dụi mắt...
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc do nhiễm khuẩn, vi rút, viêm dị ứng gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 (mưa nhiều). Biểu hiện triệu chứng thường gặp là mắt đau rầm rộ, cộm, chảy nước mắt, có nhiều rỉ mắt, mi mắt sưng nhẹ, đau, kết mạc sưng phù, đỏ.
Mặc dù là bệnh dễ điều trị, nhưng mọi người không được chủ quan và cần có những biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Thường xuyên vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông dụng.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Khi bị nhiễm bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.