Trong một bài phóng sự ảnh được đăng tải vào ngày 12/7 trên CNN, tác giả bài báo miêu tả Địa đạo Củ Chi như một “thành phố ngầm dưới lòng đất”.
Với hệ thống đường hầm có tổng chiều dài 250km, đầy đủ các công trình gồm chiến hào, kho cất lương thực, bếp ăn, giếng nước, phòng nghỉ, phòng làm việc, bệnh xá… đã giúp Địa đạo Củ Chi trở thành một trong 6 công trình nhân tạo đặc biệt nhất thế giới. Đồng thời, nơi này còn nằm trong tốp 7 điểm đến kỳ lạ nhất Đông Nam Á. Chính vì vậy, không lấy gì làm lạ khi Địa đạo Củ Chi hiện là một trong các điểm đến du lịch hút khách bậc nhất tại TP.HCM.
Địa đạo Củ Chi được vinh danh trong danh sách những đường hầm kỳ thú nhất thế giới của CNN. Ảnh: ST.
Bên cạnh Địa đạo Củ Chi, bài viết còn đề cập đến một loạt đường hầm nổi tiếng tại các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Lærdal (Na Uy), Guoliang (Trung Quốc), Burro Schmidt (bang California, Mỹ), hầm mộ Paris (Pháp), đường hầm đom đóm (Úc)…
Đường hầm Lærdal, Na Uy: Trải dài 24,5km giữa Aurland và Laerdal trên đường cao tốc nối Oslo và Bergen, Lærdal được xem là đường hầm dài bậc nhất thế giới, khánh thành năm 2000. Ảnh: GCShutter.
Đường hầm Guoliang, Trung Quốc: Cắt vào mặt vách đá dựng đứng của dãy núi Taihang. Đường hầm ban đầu được người dân địa phương xây dựng để giúp làng Guoliang dễ tiếp cận hơn. Ngày nay nó là một điểm đến du lịch hàng đầu. Ảnh: kynny.
Đường hầm Burro Schmidt của bang California, Mỹ: Đường hầm này ở sa mạc Mojave được đặt theo tên của người khai thác địa phương từng làm việc tại đây để vận chuyển quặng. Ảnh: ST.
Hầm mộ Paris, Pháp: Ban đầu được đào lên để cung cấp đá cho các tòa nhà trên khắp Paris. Hầm mộ được sử dụng vào thế kỷ 18 làm nơi lưu trữ xương từ các nghĩa trang tràn ngập thành phố. Ảnh: Andrea Izzotti.