Đi tìm nguyên mẫu Thị Nở ở làng 'Vũ Đại'

04/03/2024 13:35

Trần Thị Nở là tên của một trong 3 nguyên mẫu nhân vật "xấu xí nhất văn học Việt Nam”; người phụ nữ này là họ hàng của Nam Cao, rất xấu, dở hơi nhưng không ế chồng.

Cách trung tâm thành phố Phủ Lý (Hà Nam) chừng 38km là ngôi làng mà những người yêu tác phẩm của Nam Cao vẫn hay gọi là làng Vũ Đại, địa danh nổi tiếng bậc nhất trong dòng văn học hiện thực phê phán 1930 -1945. Đây là quê hương Nam Cao, ngôi làng vốn có tên Đại Hoàng, nay là thôn 4, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Đi tìm nguyên mẫu Thị Nở ở làng 'Vũ Đại' - 1

Trước Cách mạng Tháng Tám, nhiều người dân trong làng này đã đi vào tác phẩm của Nam Cao bằng những đặc điểm ngoại hình, tính cách hoặc số phận của mình. Đó là những chất liệu được nhà văn đã sử dụng để tạo nên những nhân vật bất hủ như Chí Phèo, Bá Kiến, lão Hạc… Và Thị Nở cũng vậy.

Từ 3 người phụ nữ có thật sống ở làng mình, nhà văn Nam Cao tạo ra nhân vật để đời, được mệnh danh là “người đàn bà xấu xí nhất trong văn học Việt Nam”.

Đi tìm nguyên mẫu Thị Nở ở làng 'Vũ Đại' - 2

Người đàn bà này không chỉ có tên trùng với nữ chính trong truyện Chí Phèo: Trần Thị Nở, mà còn có rất nhiều đặc điểm giống với nhân vật.

Ông Trần Văn Đô, người thôn 4, một thầy giáo về hưu vừa bước sang tuổi 75 và được coi là “pho sử sống” của làng, khẳng định: Nhân vật Thị Nở có thật, có họ hàng dây mơ dễ má với Nam Cao, ngoài đời cũng tên Thị Nở, là con gái ông Trần Hữu Kính. Ông này chuyên làm nghề đóng cối xay nên được gọi là Phó Kính.

Trần Thị Nở rất xấu, xấu đến độ ma chê quỷ hờn, lại còn thói quen bạ đâu ngủ đấy. Trong truyện, Nam Cao miêu tả Thị Nở có cái tật không sao chữa được là hễ đột nhiên muốn ngủ thì dù đang ở bất cứ đâu hay đang làm gì cũng lăn ra ngủ, đó là tả thật.

Đi tìm nguyên mẫu Thị Nở ở làng 'Vũ Đại' - 3

Nở nấu cơm rất hay bị sống, hễ ông Phó Kính mắng mỏ về chuyện nấu cơm sống thì cô thường cãi ‘sống đâu mà sống, chỉ sượng thôi’. Điều đó cho thấy Trần Thị Nở là người hâm hâm”.

Cũng theo ông Đô, Trần Thị Nở tuy xấu xí và tính khí dở hơi nhưng không phải là gái ế như trong truyện mà có chồng danh chính ngôn thuận: “Thị Nở ngoài đời thực lấy một người địa phương tên là Trần Bá Đào, con ông Quản Dụng. Cuộc sống của ông Đào, bà Nở rất nghèo khó. Họ có với nhau một người con trai, đặt tên là Trần Bá Xuyên. Năm 14 - 15 tuổi, Xuyên theo người làng đi tìm chú là ông ba Lễ rồi chết ở Sài Gòn”.

Ông giáo Đô cho biết thêm, Thị Nở là cháu họ, cũng là người làm thuê cho bà Trần Thị Vân - bà ngoại của Nam Cao. Xét về quan hệ họ tộc, nhà văn phải gọi Trần Thị Nở là dì.

Đi tìm nguyên mẫu Thị Nở ở làng 'Vũ Đại' - 4

Có lần, bà Vân sai Nở đi gánh nước về ngâm sợi nhưng mãi không thấy về, cho người đi tìm thì thấy thị đang ngủ ở gốc chuối. Người làng ai cũng cười cái tật xấu ấy của Nở.

“Một điểm đặc biệt nữa của người phụ nữ này là rất hay cười, dễ cười, ai nói gì cũng cười, không phải cười mỉm mà là cười phớ lớ, cười như được mùa. Vì thế ông Phó Kính mới đặt tên con là Thị Nở”, ông Đô cho biết thêm.

Đi tìm nguyên mẫu Thị Nở ở làng 'Vũ Đại' - 5

Ngoài Trần Thị Nở, còn 2 con người có thật khác được nhà văn Nam Cao dùng làm nguyên mẫu để xây dựng nhân vật xấu gái nhất văn học Việt Nam, trong đó có Trần Thị Thìn, con ông Phó Thảo, cũng là người thôn Đại Hoàng.

Ông Trần Hữu Vịnh, người cũng biết rất nhiều chuyện xưa của làng,  đang trông coi Khu tưởng niệm Nam Cao, cho biết bà Thìn tuy sinh ra trong gia đình khá giả nhưng tính tình cũng khá dở hơi, người cũng rất xấu, lưng gù, môi trề và thâm.

“Gia đình bề thế nhưng vì quá xấu, không ai theo đuổi nên cô Thìn ở vậy. Thanh niên làng không dám ‘với’ gia đình ông Phó Thảo, tuy nhà có điều kiện nhưng con gái quá xấu xí”, ông Vịnh nói.

Nhà ông Phó Thảo có mảnh vườn trước cửa, cỏ mọc xanh rì. Vợ ông thường sai con gái đi làm cỏ, nhưng cô làm cả ngày mà cỏ vẫn tươi tốt. Hóa ra do vườn nằm ngay đường đi, mấy thanh niên làng đi qua thường buông dăm ba câu trêu ghẹo khiến cô không thể tập trung làm cỏ mà luôn ngừng tay mời họ vào nhà chơi.

“Thấy thế, mẹ cô thường xuyên chửi mắng và cô lại phụng phịu hờn trách. Những lúc như vậy, cái mũi cô bạnh ra rất to, khuôn mặt nhăn nhó, xấu thậm tệ. Tính tình của cô Thìn cũng chẳng giống ai, tứ mùa diện váy, gặp ai cũng cười nhăn nhở”, ông Vịnh nhắc những chuyện được các cụ cao niên trong làng ngày xưa kể lại.

Còn nguyên mẫu thứ ba của nhân vật Thị Nở là một người mà dân làng Đại Hoàng không nhớ tên, đã có chồng và một đàn con. Người phụ nữ ấy không xấu, không dở hơi, làm nghề buôn trứng, bán trầu không ngoài chợ. Thường xuyên đi chợ rất sớm lúc trời chưa sáng vì không biết thời gian, giờ giấc, cô nhiều lần gặp ông Trinh - một trong những nguyên mẫu của nhân vật Chí Phèo - ở ngoài bến đò. “Anh Chí” buông lời ỡm ờ rồi đưa cô vào lò gạch ngủ nhân lúc trời còn tối.

“Người đàn ông này là dân ngụ cư, không cha không mẹ và nghiện rượu, mỗi lần uống rượu là uống đến say khướt. Các cụ kể rằng mỗi lần say rượu, ông Trinh lại chửi bới dân làng. Ông cũng có tật ăn vạ mỗi khi ai đó làm gì mình”, ông Trần Hữu Vịnh nói, cho biết “anh Chí” này sống trong túp lều tạm bợ gần bến đò, cạnh cái lò gạch.

Người phụ nữ ấy có thai với ông Trinh và sinh một con trai. Do quá xấu hổ với chồng con, cô mang đứa trẻ này ra bến đò, gần cái lò gạch để trả cho người tình rồi bỏ đi biệt tích. Đứa trẻ được bố nuôi lớn, đặt tên D., lớn lên làm nghề buôn chuối và trứng, cuộc sống khá sung túc, có hai con gái và 3 cháu ngoại. Con gái lớn ông D. hiện vẫn sống trong làng, con gái út ở cách đó không xa.

Có thể thấy, nhà văn Nam Cao đã chắt lọc “chất liệu” từ cả ba người phụ nữ có thật kể trên để sáng tạo nhân vật Thị Nở ế chồng, dở hơi, xấu đến độ ma chê quỷ hờn, có cuộc tình ngoài giá thú với một gã lưu manh chuyên rạch mặt ăn vạ trong làng Vũ Đại…

“Khi truyện ngắn Chí Phèo trở nên nổi tiếng, người nhà ông Phó Kính từng có đôi lần bày tỏ sự bất mãn với Nam Cao vì đã tả Thị Nở xấu quá, dở hơi quá khiến con gái ông bị người làng chê cười”, ông Vịnh nói.

Đi tìm nguyên mẫu Thị Nở ở làng 'Vũ Đại' - 6

Ngày nay, bến đò nơi nguyên mẫu Thị Nở đem đứa con mới sinh trả cho “Chí Phèo” dựng lên ngôi nhà khang trang của ông Trần Ngọc Thành, 75 tuổi. Chủ nhà cho biết, xưa kia, khu vực bến đò này cũng là nơi “anh Chí” thường ra lang thang, ăn vạ.

“Đối diện nhà tôi ở, phía bên kia đường chính là chợ Bến, nơi mà người phụ nữ buôn trứng, bán trầu không thường lui tới và rồi qua lại với ‘Chí Phèo’ và sinh ra đứa con trai”. ông Thành kể.

Đi tìm nguyên mẫu Thị Nở ở làng 'Vũ Đại' - 7

Dấu tích của bến đò, căn lều dột nát của “anh Chí” hay cái lò gạch cũ dù không còn, làng quê vẫn còn nhiều vườn chuối. Những tàu lá chuối phất phơ trong những chiều nhá nhem khiến người ta lại nhớ đến cuộc tình trái ngang của hai nhân vật văn học in đậm trong tâm trí người Việt Nam: Chí Phèo và Thị Nở.

Theo vtcnews.vn
https://vtcnews.vn/di-tim-nguyen-mau-thi-no-o-lang-vu-dai-ar847797.html
Copy Link
https://vtcnews.vn/di-tim-nguyen-mau-thi-no-o-lang-vu-dai-ar847797.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm nguyên mẫu Thị Nở ở làng 'Vũ Đại'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO