Nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã xa rời cõi tạm ngày 25/8/2023 vừa qua. Trong 10 năm phụ trách mảng giáo dục đại học (1987-1990 với tư cách là Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề và 1990-1997 với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ trưởng Quân đã đưa ra các sáng kiến và thực thi hàng loạt chính sách quan trọng; mà trong đó nhiều di sản của ông vẫn còn hiện hữu đối với giáo dục đại học ngày nay. Trong bài viết này, tôi muốn điểm qua một số di sản nổi bật:
Xây dựng nền móng cho giáo dục đại học tư thục và chính sách xã hội hóa
Khi GS. Trần Hồng Quân mới nhậm chức Bộ trưởng, khái niệm giáo dục đại học tư thục (hay ngoài công lập) nhìn chung còn khá xa lạ, thậm chí là cấm kỵ ở nước ta. Năm 1988, cùng với nỗ lực của một nhóm giáo sư, trí thức trong và ngoài nước, trong đó người khởi xướng là GS. Hoàng Xuân Sính, Bộ trưởng Quân đã "thuyết phục" được Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm liên quan cho ra đời Trung tâm Đại học Dân lập Thăng Long, tiền thân của Trường Đại học Thăng Long ngày nay - trường đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam.
Từ thành công bước đầu của Trường Đại học Thăng Long, Bộ trưởng Quân đã đưa ra được các quy định, chính sách đầu tiên, tạo dựng hành lang pháp lý của giáo dục đại học ngoài công lập (Quyết định 196 năm 1994 về quy chế tạm thời Trường đại học dân lập và Quyết định 04 năm 1994 về quy chế tạm thời Trường Đại học bán công).
Cho đến năm 1997, khi rời chức Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Quân đã tiếp tục làm "bà đỡ" cho 14 trường đại học ngoài công lập khác. Từ đó, giáo dục đại học ngoài công lập tiếp tục phát triển mạnh mẽ trở thành một bộ phận không thể thiếu của hệ thống giáo dục đại học của nước ta hiện nay.
Cần phải nói thêm, vào năm 1997, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ làm lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo của Bộ trưởng Trần Hồng Quân, có một văn bản chính sách cực kỳ quan trọng đã được Chính phủ thông qua, có tên gọi Nghị quyết số 90-CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa.
Trong văn bản này, với riêng phần giáo dục đại học, chúng ta có thể thấy những chủ trương cực kỳ đúng đắn (cho đến tận ngày nay vẫn còn rất đúng) như: huy động thêm sự đóng góp của người học thông qua học phí nhưng "phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, căn cứ vào mức sống và khả năng của người dân ở từng vùng, từng địa phương trên cơ sở bảo đảm công bằng xã hội", hay "có chính sách học phí phù hợp, đồng thời có chính sách trợ cấp xã hội và cho vay vốn để đi học"…
Thành lập 2 trường đại học mở, tạo tiền đề cho giáo dục đại học từ xa
Trong những năm đầu 1990, quy định về việc đi học đại học chính quy rất chặt chẽ và khó khăn. Người đăng ký thi tuyển vào các trường đại học bị giới hạn trong độ tuổi 18-24. Các trường đại học cũng chủ yếu chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Trong khi đó, nhu cầu được đi học đại học của xã hội ngày càng tăng.
Trong bối cảnh đó, 2 Trường đại học Mở được thành lập ở 2 đầu Bắc - Nam của đất nước (Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh thành lập năm 1993) với mô hình hoạt động có thể nói là rất đột phá so với thời điểm bấy giờ.
Cụ thể, sinh viên vào Đại học Mở không nhất thiết phải ở trong độ tuổi 18-24 như các trường đại học khác mà có thể là người lớn tuổi. Bên cạnh đó, các lớp học không nhất thiết tổ chức tại trụ sở chính của trường mà có thể tổ chức ở địa phương. Sau này, khi đĩa VCD và Internet trở nên phổ biến thì 2 trường đại học này tiếp tục tiên phong đem đến những trải nghiệm đầu tiên cho sinh viên Việt Nam về mô hình đào tạo trực tuyến, công nghệ giáo dục mà hiện nay đã trở nên phổ biến.
Thành lập 2 Đại học Quốc gia, 3 Đại vùng - mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực định hướng nghiên cứu
Trong giai đoạn 1990 trở về trước, giáo dục đại học Việt Nam đi theo mô hình của Xô Viết, theo đó, hệ thống trường đại học chủ yếu có quy mô nhỏ, đơn ngành, tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy hơn là nghiên cứu.
Nhận thấy bất cập của mô hình trên, đầu những năm 1990 đã có chủ trương sáp nhập một số trường đại học/cao đẳng trong cùng một tỉnh/thành phố để thành một cơ sở giáo đại học có quy mô lớn, đa ngành, tập trung cả vào nghiên cứu.
Trong giai đoạn này, Bộ trưởng Trần Hồng Quân chính là người trực tiếp triển khai chủ trương này. Cần phải nói, đây là một mô hình mới, chưa có tiền lệ. Các đại học mới được ra đời theo mô hình này bao gồm 2 Đại học Quốc gia và 3 Đại học Vùng (ở Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng) lại dựa trên cơ sở các trường đại học có sẵn nên bản thân khi triển khai đã gặp không ít khó khăn.
Qua 30 năm, như chúng ta đều biết, 5 đại học kể trên đều đã trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam, xuất hiện trong nhiều bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Mô hình cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, định hướng nghiên cứu cũng trở nên phổ biến tại Việt Nam.
Một bài viết ngắn chắc chắn không thể nào điểm hết thành tựu của Bộ trưởng Trần Hồng Quân trong suốt 10 năm đương chức của ông. Còn rất nhiều sáng kiến, chủ trương, chính sách mà ông từng triển khai có thể kể thêm như học theo niên chế và tín chỉ, mô hình đại học đại cương, phân luồng giáo dục sau trung học phổ thông….
Tất nhiên cũng sẽ có những quyết sách của Bộ trưởng Quân từ ngày đó đến giờ đã không còn hợp với thời đại nữa, và hẳn nhiên, không phải quyết sách nào của ông cũng được triển khai hiệu quả như kỳ vọng ban đầu. Hoặc lại có những vấn đề cũng rất quan trọng với giáo dục đại học nhưng trong 10 năm đương chức, Bộ trưởng Quân cũng chưa kịp thực hiện.
Thiết nghĩ đó cũng là điều tất yếu mà không một chính khách nào có thể chu toàn. Nhưng có thể nói, Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã để lại cho các Bộ trưởng kế nhiệm một nền móng vững chắc với nhiều chủ trương, chính sách vượt thời đại. Bài viết này xin được coi là một "nén nhang" của kẻ hậu sinh đối với ông.
Kính mong ông yên giấc nơi suối vàng và phù hộ cho sự phát triển của giáo dục nói riêng và của đất nước nói chung. Lịch sử chắc chắn sẽ không bao giờ quên công lao của ông - Bộ trưởng Giáo dục ở một thời kỳ rất đặc biệt của đất nước, thời kỳ Đổi mới và bắt đầu hội nhập quốc tế.
Tác giả: TS Phạm Hiệp là nhà nghiên cứu giáo dục đại học và chính sách khoa học. Năm 2022, ông nhận giải thưởng thường niên dành cho nhà khoa học xuất sắc của Hiệp hội Giáo dục so sánh và quốc tế - Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế (Comparative and International Education Society - The Study Abroad and International Student).