Đi ra khỏi tỉnh cũng gặp khó vì mỗi địa phương quy định mỗi khác

HOÀNG SONG MINH| 07/10/2021 16:16

Giãn cách xã hội đã khiến nhiều người mắc kẹt tại tỉnh. Đoạn đường về lại TP.HCM dù ngắn vẫn rất nhiêu khê vì thủ tục giấy tờ mỗi nơi mỗi khác cho việc đi ra khỏi tỉnh.

Đi ra khỏi tỉnh phải được UBND tỉnh chấp thuận

Đó là quy định đang được một vài địa phương áp dụng cho người dân có nhu cầu đi ra khỏi tỉnh để về lại TP.HCM.

Phản ánh trên Thanh Niên, theo chị L (ngụ Quận 6, TP.HCM), đến nay chị vẫn chưa thể đưa 2 con về lại TP.HCM sau kỳ nghỉ hè dài 4 tháng vì dịch.

"Tôi hỏi thăm thủ tục thì tỉnh Bạc Liêu đồng ý cho đi về TP.HCM, nhưng kèm theo điều kiện tài xế khi trở lại phải cách ly 21 ngày, khiến không ai dám nhận chở khách", chị L cho biết.

Cùng hoàn cảnh như chị L, anh Th (Gò Vấp, TP.HCM) cho hay đã gửi đơn hơn 3 ngày vẫn chưa nhận được phản hồi có đủ điều kiện về hay không. Anh Th. cho biết vợ con đang ở Quảng Ngãi nhiều tháng qua nên khá sốt ruột chờ giấy thông hành.

Trong khi người dân chờ thủ tục thì nhiều địa phương lại áp dụng cách không giống ai khi người dân ra khỏi tỉnh phải được sự chấp thuận của UBND tỉnh.

di-ra-khoi-tinh-gap-kho-vi-moi-dia-phuong-quy-dinh-moi-khac-tno-2.jpeg
Người dân đi vào/ra khỏi tỉnh Vĩnh Long phải được UBND tỉnh chấp thuận. Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại Vĩnh Long, tỉnh này lưu ý tất cả mọi người không được di chuyển ra/vào tỉnh, trừ trường hợp được sự cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc người được Chủ tịch UBND tỉnh phân công, ủy quyền.

Theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, điều kiện để người từ TP.HCM vào địa bàn rước công dân về phải có văn bản gửi cho UBND tỉnh về khâu tổ chức. Nếu được sự chấp thuận của tỉnh thì các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 sẽ cho vào địa bàn rước người. Và thực tế chưa thấy giải quyết cho cá nhân từ TP.HCM rước người về, ngoài lý do thực hiện công vụ.

Tương tự Vĩnh Long, tỉnh Tiền Giang quy định người vào/ra địa bàn phải có giấy đi đường do UBND cấp tỉnh ký.  Các công dân di chuyển vào hoặc ra khỏi tỉnh phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời gian 72 giờ, vào địa bàn tỉnh phải được cách ly y tế theo quy định.

di-ra-khoi-tinh-gap-kho-vi-moi-dia-phuong-quy-dinh-moi-khac-4.jpg
Quy định mỗi tỉnh mỗi khác về đi lại đã khiến người dân bị rối trong một rừng thủ tục.

Riêng tại Bến Tre, tỉnh này quy định người muốn vào địa phương phải có kết quả xét nghiệm PCR trong 72 giờ và có giấy đi đường do UBND cấp tỉnh nơi xuất phát cấp. Khi vào phải tiến hành cách ly y tế 7 ngày. Sau đó, UBND tỉnh sẽ cấp giấy đi đường cho trở lại địa phương với lý do chính đáng.


Cần gỡ khó nút thắt vào/ra khỏi tỉnh để tránh "phép vua thua lệ làng"


Trước thực trạng người dân đi vào/ra khỏi tỉnh phải liên hệ thủ tục nhiêu khê, nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương đi lại.

di-ra-khoi-tinh-gap-kho-vi-moi-dia-phuong-quy-dinh-moi-khac-tno-1.jpeg
Đi lại khó khăn khiến giao thương bị ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thời bình thường mới.

Đáng lưu ý, từ tháng 8, Bộ Y tế ra quy định mới về cách ly y tế đối với người đến/về từ vùng dịch nhưng dường như vẫn chưa được các tỉnh triển khai.

Trước thực trạng "phép vua thua lệ làng" và nhiều tỉnh vẫn theo "tình hình địa phương" gây phiền hà cho việc đi lại của người dân, ngày 6/10, Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc “áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An”.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành tiếp nhận người về từ TP.HCM và 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chỉ đạo thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân.

di-ra-khoi-tinh-gap-kho-vi-moi-dia-phuong-quy-dinh-moi-khac-3.jpg
Người dân cần quy định rõ ràng để tránh mỗi nơi hiểu một nẻo, thực hiện một đằng ảnh hưởng đi lại giao thương.

Cụ thể, tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ngày đầu tiên khi tiếp nhận. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định.

Về thực hiện cách ly, người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19) sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện 5K.

Người tiêm chưa đủ liều vắc xin COVID-19 sẽ thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, đồng thời thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày thứ nhất và ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

Người chưa tiêm vắc xin COVID-19 thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương.

Với những người đã tiêm vắc xin COVID-19 hoặc khỏi bệnh COVID-19 tại nước ngoài, việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đi ra khỏi tỉnh cũng gặp khó vì mỗi địa phương quy định mỗi khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO