Đi khám ung thư từ 3h sáng, bệnh nhân chờ chụp chiếu đến 3h chiều

03/10/2023 14:05

Tại một bệnh viện ung bướu hàng đầu phía Nam, toàn bộ máy MRI hỏng. Người bệnh phải chuyển sang nơi khác để chụp chiếu.

Hơn 15h ngày 2/10, xe cấp cứu của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đưa 3 bệnh nhân cùng người nhà sang Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức. Ông N.V.M (72 tuổi, quận Bình Tân) là bệnh nhân lớn tuổi nhất.

Ông vừa phát hiện bị u ác ở gan mấy tháng qua. Ban đầu, ông điều trị ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) sau đó chuyển xuống cơ sở 2 (tại TP Thủ Đức). Mặc dù xa xôi hơn nhưng cơ sở mới hiện đại, nên ông M. cũng không quá phiền lòng.

Ngày 2/10, TP.HCM mưa kéo dài trên diện rộng, nhiều nơi ngập và kẹt xe. Ông M. và con trai vẫn vượt chặng đường dài vì căn bệnh ác tính. Sau khi được thăm khám, ông có chỉ định chụp MRI và được hướng dẫn tự túc sang Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức chụp. Hai viện cách nhau 5km.

Trưa cùng ngày, hai cha con ông M. chạy xe máy sang đến nơi rồi phải vòng ngược lại vì giấy tờ chưa hoàn chỉnh. Đến 15h, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 sắp xếp xe cấp cứu đưa ông M. và những người khác đi chụp MRI, bớt được phần nào mệt nhọc. Trên xe, một điều dưỡng đi cùng hỗ trợ.

Ông N.V.M và chị N.T.Y.N đang chờ chụp MRI trong chiều 2/10. Ảnh: GL.

“Tôi hơi bất ngờ vì phải sang bệnh viện khác nhưng nghe nói máy MRI hỏng. Đúng là hơi bất tiện một chút nhưng quan trọng là khám bệnh cho xong", ông M. nói.

Trong khi đó, chị N.T.Y.N (28 tuổi, Vĩnh Long) cùng cha đi xe máy lên TP.HCM từ 3h sáng. Đến khoảng 10h30, chị hoàn thành việc siêu âm, thử máu, đo điện tim theo chỉ định của bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Đến 15h, chị mới được chuyển đi chụp MRI.

“Tôi chờ từ trưa đến giờ, lâu nhất là thủ tục giấy tờ. Ban đầu bệnh viện nói mình tự túc xe cộ nhưng sau đó may mà có xe của bệnh viện”, chị N. nói. Cô gái trẻ bị u mô mềm ở chân, đã sinh thiết và nay phải chụp MRI để được bác sĩ đánh giá tình hình. Đây là lần thứ 5 chị lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chỉ trong khoảng 2-3 tuần.

Đây là những trường hợp ngày đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức hỗ trợ chụp MRI trong thời gian chờ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 sửa chữa máy móc. Trong ung thư, MRI là kỹ thuật chỉ định không rộng rãi bằng CT.

Theo bác sĩ Hồ Thanh Phong, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, hai cơ sở đã lên quy trình chặt chẽ, ký hợp đồng và có đầu mối tiếp nhận thông tin hàng ngày nhằm điều phối người bệnh.

Xe của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 đưa bệnh nhân đi chụp MRI. Ảnh: GL.

Bác sĩ Phong cho hay những ca cấp cứu sẽ được ưu tiên chụp MRI bất kỳ thời điểm nào. Riêng trong giờ hành chính, bệnh viện sẽ đáp ứng khoảng 10 ca chụp MRI cho Bệnh viện Ung bướu, sắp xếp tập trung vào buổi chiều mỗi ngày.

Nếu nhu cầu thực tế cao hơn, bệnh viện sẽ chụp ngoài giờ từ 18-20h, khi đó số ca đáp ứng cho Bệnh viện Ung bướu có thể lên đến 15-20 ca. Thời gian chụp MRI từ 30-60 phút tùy từng ca bệnh.

“Khi chụp MRI đúng chỉ định, bệnh nhân được hưởng theo đúng bảo hiểm y tế chi trả, hoàn toàn không phải đóng thêm chi phí gì. Quyền lợi của người bệnh được bảo đảm hoàn toàn. Vấn đề là hai bệnh viện phối hợp nhịp nhàng, tương tác hàng ngày để sắp xếp phù hợp”, bác sĩ Phong nói.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cũng là bệnh viện gần nhất với Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, đủ điều kiện cơ sở vật chất, chuyên môn để hỗ trợ trong bối cảnh trang thiết bị cần sửa chữa. Trung bình mỗi ngày cơ sở này đang chụp MRI cho khoảng 15-20 ca, chỉ đạt khoảng 50-70% công suất.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, 2 máy MRI của bệnh viện đều ngưng hoạt động. Máy ở cơ sở 1 đã sử dụng hơn 10 năm, gần đây thường xuyên hư hỏng, chi phí sửa chữa rất lớn. Bệnh viện đã có kế hoạch mua máy mới, dự kiến triển khai vào năm 2024 bằng cơ chế vay vốn kích cầu của TP.HCM.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức chụp MRI cho bệnh nhân u não vào chiều 2/10. Ảnh: GL.

Thời gian qua, người bệnh ở cơ sở 1 được chuyển đến cơ sở 2 (tại TP Thủ Đức) để chụp MRI khi có chỉ định. Tuy nhiên những ngày qua, máy MRI còn lại cũng đột ngột bị hư hỏng sau hơn 3 năm sử dụng.

Bác sĩ Dũng cho biết nhà sản xuất đã đặt thiết bị từ Singapore, sau đó chuyển sang Việt Nam để sửa chữa, thay thế. Dự kiến khoảng 1 tuần sau, máy chụp MRI tại cơ sở 2 có thể hoạt động trở lại bình thường.

Trước sự cố này, Sở Y tế TP.HCM đã họp khẩn, tìm phương án. Theo đó, Bệnh viện Hồng Đức cơ sở 2 (tư nhân) sẽ hỗ trợ người bệnh của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) chụp MRI với giá bằng với giá theo quy định chi trả bảo hiểm y tế.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức sẽ hỗ trợ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (tại TP Thủ Đức) thực hiện chụp MRI cho người bệnh. Các cơ sở này đã ký hợp đồng theo quy định, cam kết đảm bảo quyền lợi chính đáng và an toàn người bệnh.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là cơ sở chuyên khoa ung thư hàng đầu ở phía Nam. Cơ sở 2 của bệnh viện được khởi công từ năm 2016 với số vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, đến nay đã vận hành gần 100% công suất. Cơ sở này được kỳ vọng sẽ chấm dứt cảnh chờ mổ, nằm gầm giường của bệnh nhân ung thư.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đi khám ung thư từ 3h sáng, bệnh nhân chờ chụp chiếu đến 3h chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO