Nữa đêm vẫn chật vật chờ đổ xăng
Gần 0h ngày 4.11, anh Nguyễn Hoài Nam (25 tuổi, nhân viên nhà hàng tại đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy) tỏ ra mệt mỏi vì phải đứng chờ gần 1 tiếng đồng hồ vẫn chưa đến lượt đổ xăng tại cây xăng thuộc hệ thống Petrolimex, nằm ở đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Cùng với anh Nam, 50 - 70 người khác cũng đang mệt mỏi chờ đợi ở cây xăng này.
Nhà ở quận Hà Đông, kim xăng đã chạm đáy, anh Nam chỉ muốn sớm được đổ xăng để trở về nhà nghỉ ngơi sau một ngày làm việc tất bật. Nhưng không còn cách nào khác ngoài việc chờ đợi.
"Những cây xăng quanh đây cũng rơi vào tình trạng đông kín người, một số cây thì thông báo đóng cửa vì hết xăng. Tôi quyết định đứng đợi ở đây vì đi đâu cũng sẽ như vậy thôi", anh Nam nói.
Anh Phan Hải (21 tuổi, quận Đống Đa) cùng bạn cũng nóng ruột không kém khi đã nửa đêm vẫn chưa đổ được xăng để chạy xe về.
"Những cây xăng quanh đây cũng rơi vào tình trạng đông kín người, một số cây thì thông báo đóng cửa vì hết xăng. Tôi quyết định đứng đợi ở đây vì đi đâu cũng sẽ như vậy thôi", anh Nam chia sẻ.
Theo ghi nhận, rất nhiều người đã không đủ sự kiên nhẫn nên đành bỏ cuộc hoặc chạy vòng vòng tìm kiếm một cây xăng khác để tiếp nhiên liệu.
Trong tối 4.11, sau khi xe bồn bơm đầy trạm xăng Mipecorp (đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy), nhân viên cây xăng tháo dỡ hàng rào cho dòng xe vào đổ.
Tại đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) có chiều dài khoảng hơn 3km, tuyến đường này có ba cửa hàng xăng dầu lần lượt là: Cửa hàng xăng dầu Thụy Khuê (Công ty xăng dầu Hưng Yên), Cửa hàng xăng dầu Tam Đa (Công ty cổ phần xăng dầu HFC) và Cửa hàng xăng dầu số 14 - Petrolimex.
Theo ghi nhận, trong tối 4.11, cả ba cửa hàng này đều tạm ngừng hoạt động vì hết hàng.
Nhiều người dân ở Hà Nội nửa đêm đi mua xăng để tránh đông đúc, nhưng ra tới nơi họ vẫn phải xếp hàng dài và chờ hơn đợi cả tiếng đồng hồ.
Anh Nguyễn Văn Đức (quận Ba Đình) đi đổ xăng lúc 0h cho vắng, nhưng bất ngờ thấy lượng người xếp hàng đông không kém so với ban ngày.
"Tôi đi làm về từ 22h, nghĩ rằng 0h ra đổ xăng sẽ không phải chờ đợi lâu nhưng cuối cùng vẫn phải chờ một tiếng mới đến lượt", anh Đức kể.
Còn chị Nguyễn Thị Hà (quận Cầu Giấy) cho biết, đã đi tìm xăng để mua lúc trưa và chiều nhưng gặp cảnh xếp hàng dài chờ đợi, không đủ kiên nhẫn nên chị đành quay về.
"Tôi quyết định đi lúc 0h để hưởng sự vắng vẻ, thoải mái nhưng không ngờ cũng có rất đông người đến đổ xăng như vậy", chị Hà chia sẻ.
Nhu cầu xăng dầu tăng đột biến
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, hiện Hà Nội vẫn đang đảm bảo cao nhất nhu cầu cho người dân trong việc mua xăng dầu.
Tính đến ngày 4.11, chỉ có 8 cửa hàng xăng dầu hết xăng cục bộ. Theo báo cáo của các cửa hàng, hôm nay 5.11, xăng đã về để cửa hàng bán bình thường.
"Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép cho 114 xe téc chở xăng dầu hoạt động 24/24 giờ để cung cấp xăng cho các cửa hàng", vị lãnh đạo thông tin.
Về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu hiện nay trên toàn TP Hà Nội, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, bình quân mỗi tháng khoảng 146.500m3, trong đó nhu cầu xăng khoảng 97.750m3 (E5 chiếm 35%, RON95 chiếm 65%), dầu khoảng 48.750m3.
Tuy nhiên từ tháng 8.2022 đến nay, nhu cầu xăng dầu ở Hà Nội tǎng đột biến, trung bình 20%, tương đương 175.800m3/tháng (một số cửa hàng tăng trên 30%).
Lý giải nhu cầu xăng dầu tăng đột biến trong thời gian qua, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, do các tỉnh thành lân cận cũng thiếu nguồn cung nên đổ dồn về Hà Nội mua xăng dầu, gây áp lực cho Thủ đô.
Để khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp phải có phương án đảm bảo, duy trì nguồn cung trong hệ thống kinh doanh, chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý.
Đồng thời, tăng cường lượng dự trữ tại các kho, bể chứa trong thành phố.
Với các cửa hàng bán lẻ, yêu cầu không được có hành vi đầu cơ, găm hàng, đóng cửa không bán hàng không có lý do và chưa được sự chấp thuận của Sở Công Thương.