Đi chùa đầu năm xin lộc, xin vía: Vận mệnh con người nằm ở nắm tro, chiếc ấn?

Dạ Cầm (Tổng hợp)| 01/03/2024 22:37

Đi lễ chùa đầu năm là dịp để người ta vun đắp thiện tâm, từ bỏ sân si nhưng giờ lại biến tướng qua việc xin vía, xin lộc để giải nghiệp. Vận mệnh con người nằm ở nắm tro, chiếc ấn mà người ta chen lấn để lấy được?

Một chị bạn tôi cuối tuần này sẽ đi chùa Bà Đen ở Tây Ninh. Trước đó cũng trong rằm tháng giêng, chị đi khắp các ngôi chùa ở TP.HCM với tâm niệm cầu bình an, xin lộc để làm ăn.

Trả lời trên báo Dân Trí, chuyên gia văn hoá Nguyễn Hồng Ánh nhấn mạnh đi lễ chùa đầu năm là phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Nghi lễ văn hoá này gợi nhắc các giá trị được trao truyền, và cũng là dịp để người dân cầu bình an cho gia đình, sức khoẻ cho người thân.

hy.jpg
Đi chùa đầu năm là nét đẹp trong tín ngưỡng. Ảnh: Dân Trí

Tuy nhiên bà Hồng Ánh khẳng định những năm gần đây, đi lễ chùa đầu năm không còn giữ được bản chất ban đầu. Thay vào đó, người người đổ xô về chùa chỉ để xin lộc, xin vía để chuyện làm ăn được suôn sẻ, phát đạt.

Cũng trong rằm tháng giêng, các báo đều đưa tin từ Bắc đến Nam, dòng người đổ xô về chùa Hương (Hà Nội), chùa Bà (Bình Dương)… chỉ để uống nước thánh, chạm vào các vật thiêng được truyền rằng những vị thánh, Bồ tát từng dùng. Chỉ cần sờ vào là sẽ có may mắn cho cả năm.

Những nơi khác, người dân lại xin tro, xin lộc, xin vía. Cảnh chen lấn, xô đẩy ở chùa bỗng trở nên phản cảm. Chúng ta không biết khi chạm vào tượng hay các hiện vật khác là sẽ được ban phước như thế nào, không một cách lý giải nào khoa học, nhưng ai ai cũng tranh nhau để chạm.

nr.jpg
yn.jpg
Dòng người tranh nhau hứng nước thiêng, sờ tượng... ở chùa Hương. Ảnh: Dân Trí

Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sư, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trả lời Dân Trí: “Chuông, lư hương, tượng Phật đều chỉ là các vật thơ mang tính biểu trưng, chứ không phải vật thiêng liêng để chạm vào sẽ thấy phúc hay giải nghiệp, thoát tội”. Hoà thượng cũng nhấn mạnh rằng con người tạo ra các truyền thuyết để đánh lừa bản thân, nghĩ ra cách đi lễ, cúng bái không đúng tinh thần nhà Phật, từ đó làm cửa chùa mất tôn nghiêm.

Thật may mắn khi chúng ta sống mà có niềm tin. Bởi đức tin dẫn dắt con người để có suy nghĩ, lời nói và hành động đúng đắn. Nhưng niềm tin tâm linh, đôi khi phải được xem xét liệu có còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại hay không.

Cứ mỗi dịp Tết hay giỗ chạp, nhà nhà thi nhau đốt vàng mã với quan điểm “trần sao âm vậy”. Bởi vậy con cháu thường hoá vàng nhà, xe, vàng, tiền và hàng trăm đồ dùng khác để ông bà “dưới đó không thiếu thốn”.

Từ đó mới sản sinh suy nghĩ xin tro, xin vía để làm ăn, dù còn rất mơ hồ, vẫn được người người làm theo, đầy nhiệt huyết.

nn.jpg
Dòng người xếp hàng ở chùa Vĩnh Nghiêm, TPHCM. Ảnh: Dân Trí

Nhưng bản chất của việc đi chùa chiềng, đền thờ là để tưởng nhớ công ơn của các bậc vĩ nhân có công với đất nước, hay tìm về với đức Phật để mong được tâm an. Đó không phải là nơi để chúng ta xin xỏ, được ban phước. Kiểu ban phước này được truyền lại bao đời, ví dụ khi đi chùa, người ta thường cầu xin năm mới làm ăn phát tài phát đạt rồi sẽ cúng dường bao nhiêu hay trả lễ như thế nào. Từ đó, người ta mới nhét tiền lẻ vào tay Phật, dâng cúng vật lễ để “hối lộ”…

Nhiều ý kiến nói rằng đây là kiểu đôi co, trả treo với Phật theo kiểu con buôn. Và lối hành xử này cần được chấm dứt. Nhưng chấm dứt thế nào lại là câu chuyện dài hơi khác. Bởi niềm tin tâm linh của họ đã in sâu vào tiềm thức, nó đeo bám qua nhiều thế hệ, rất khó để mở mang.

Chỉ có điều xin hãy nhớ cho rằng đức Phật, Bồ tát đều đã thoát tục. Họ không còn vương vấn thế tục, xin đừng đi ngược với lời truyền dạy của các ngài. Bởi chẳng khác nào là hành vi phỉ báng nhà Phật.

y.jpg
Tránh xin xỏ khi đi chùa. Ảnh: Dân Trí

Đi lễ chùa đầu năm là để có được tâm an. Đến chùa là để nhìn lại bản thân, từ bỏ mọi sân si để cuộc sống được ngơi nghỉ, an lành. Đời người không dài, không ngắn, tất có bao nhiêu xui rủi, vận may… Tất cả đều không đong đếm được. Nhưng như người đời vẫn nhắc nhở “đức năng thắng số”. Không một vị thánh thần nào có thể giúp đỡ hay một phép màu nào xuất hiện để cứu rỗi cuộc đời một ai đó, nếu họ không thể tự thân cố gắng, không gây hại đến ai hay ngược lại còn giúp đỡ nhiều người khác.

Chúng ta không thể ngồi một chỗ và trông chờ “trời độ”, không thể dựa dẫm vào việc “đi chùa để xin lộc, giải nghiệp”. Vận mệnh con người không thể chỉ dựa vào nắm tro, miếng nước hay sờ vào tượng thờ. Vận mệnh đến từ việc mình nỗ lực học hỏi, không ngừng cố gắng và biết buông bỏ đúng lúc.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đi chùa đầu năm xin lộc, xin vía: Vận mệnh con người nằm ở nắm tro, chiếc ấn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO