Những ngày qua, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng gây tranh cãi khi mặc trang phục lấy cảm hứng từ quân đội cài đầy huy hiệu 'lạ' trong liveshow Ngày em thắp sao trời.
Nhiều diễn đàn tranh luận 'nảy lửa' xoay quanh việc ăn mặc của Đàm Vĩnh Hưng. Có ý kiến cho rằng hình dáng của huy hiệu anh đeo gợi ý Biệt công bội tinh - một loại huy chương của chế độ cũ, cũng là điểm gây tranh cãi nhất.
Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM mời Đàm Vĩnh Hưng lên làm việc. Đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) cũng đang chờ xem xét, xử lý vụ việc theo quy trình.
Đàm Vĩnh Hưng cũng đăng đàn giải thích khá tỉ mỉ. Cụ thể, anh đam mê phong cách thời trang quân đội từ lâu. Những dòng chữ khắc trên các huy hiệu không mang nghĩa nhạy cảm. Ngoài ra, nam ca sĩ bày tỏ sự cầu thị bằng cách không tiếp tục diện kiểu trang phục này trong show sau.
"Các huy hiệu đều là phụ kiện bình thường mang tính chất trang trí để bộ trang phục thêm phần bắt mắt, hoàn toàn không có ẩn ý về chính trị nào", ca sĩ này nhấn mạnh.
Về phương diện pháp lý, khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, chưa thể khẳng định Đàm Vĩnh Hưng đúng hay sai, có vi phạm pháp luật không.
Đàm Vĩnh Hưng chụp cận các huy hiệu lạ.
Tuy nhiên, về phương diện văn hóa và trách nhiệm cộng đồng của một người nổi tiếng, Đàm Vĩnh Hưng thiếu cẩn trọng.
Liveshow Ngày em thắp sao trời diễn ra tối 4/5 trong bầu không khí cả nước hướng về sự kiện Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Những ngày qua, nhân dân và các ban, ngành, đoàn thể cùng nhau ôn lại Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại nói riêng và quá trình đấu tranh gian khổ và anh dũng, kiên cường, trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc nói chung; tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, của thế hệ đi trước, đồng thời củng cố niềm tin và thấy rõ trách nhiệm với đất nước ở hiện tại và trong tương lai.
Việc Đàm Vĩnh Hưng mặc trang phục theo phong cách quân đội cài đầy huy hiệu 'lạ' khi sự kiện trọng đại của đất nước đang diễn ra cho thấy ca sĩ này thiếu sự nhạy cảm chính trị cần thiết của một người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với công chúng.
Là người nổi tiếng, Đàm Vĩnh Hưng nên ý thức mỗi hành vi, biểu hiện dù nhỏ nhất vẫn có thể tác động đến đám đông, từ đó hình thành trách nhiệm đối với cộng đồng.
Trách nhiệm ấy được cụ thể hóa trong Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL về Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tranh cãi đang 'nóng', Đàm Vĩnh Hưng lại đăng tiếp loạt ảnh tương tự như 'đổ dầu vào lửa'.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 4 về Quy tắc ứng xử chung quy định: "Đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật".
Khoản 6 Điều 5 về Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp quy định: "Giữ gìn danh hiệu, hình ảnh; chọn lựa sử dụng trang phục, hóa trang phù hợp với mục đích, nội dung hoạt động nghệ thuật".
Bên cạnh đó, về phương diện truyền thông, Đàm Vĩnh Hưng mắc lỗi. Thay vì có bộ phận phát ngôn chuyên nghiệp, ca sĩ này lại đăng tải phản hồi theo hướng bộc phát.
Khi phản hồi vụ việc, Đàm Vĩnh Hưng đăng kèm loạt ảnh từng diện các thiết kế phong cách quân đội trước đây như 'đổ dầu vào lửa', khiến người dùng mạng phản ứng mạnh hơn. Trong nội dung phản hồi, anh cũng không quên đính kèm thông tin bán vé cho liveshow sau, dễ tạo cảm giác thiếu sự chân thành, nghiêm túc trong một vụ việc nhạy cảm.
Nhìn lại hành trình làm nghề, dù thường xuyên vướng scandal, Đàm Vĩnh Hưng khá chăm chỉ tham gia các chương trình nghệ thuật chính thống phục vụ nhân dân dù cát-sê thấp hoặc không nhận thù lao. Giọng ca 7X cũng duy trì hoạt động ca hát phục vụ các đối tượng từ phạm nhân, học sinh - sinh viên, giáo viên, công nhân đến bộ đội, bác sĩ, bệnh nhân hàng chục năm qua. Ngoài ra, anh đều đặn tổ chức hoặc tham gia các hoạt động thiện nguyện hàng năm.
Là nghệ sĩ có ý thức đóng góp cho cộng đồng, Đàm Vĩnh Hưng cần rút kinh nghiệm sâu sắc, tăng cường nhạy cảm chính trị để không lặp lại những vụ việc đáng tiếc không đáng có như thế này.
Theo VietNamNet