Đến năm 2030, Hà Nội muốn có thêm 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt

25/11/2021 14:55

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cùng với làn đường ưu tiên cho xe buýt BRT hiện có, Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức thêm 14 làn ưu tiên nữa nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.

Thông tin nêu trên được UBND TP Hà Nội đưa ra khi trả lời cử tri về đề nghị xem xét, đánh giá hiệu quả của các dự án tuyến buýt nhanh (BRT), đồng thời nên tiếp tục duy trì hay dừng lại hoạt động của tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa .

Cụ thể, UBND TP Hà Nội cho biết, về chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 9/9/2019 về việc "Thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng năm 2020" và Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 16/10/2020 về việc "Phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021 - 2030".

Đến năm 2030, Hà Nội muốn có thêm 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt - 1

Đến năm 2030, Hà Nội muốn có thêm 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn (Ảnh tư liệu).

Theo kế hoạch, thành phố tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả làn đường ưu tiên cho xe buýt nhanh BRT, phát huy lợi thế tuyến buýt nhanh làm cơ sở đánh giá, nghiên cứu, đề xuất tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt: các tuyến  đường có nhiều làn xe, có số lượng tuyến và lưu lượng xe buýt lớn nghiên cứu bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt, làn đường ưu tiên phải đáp ứng yêu cầu, phù hợp với công tác tổ chức giao thông".

Đặc biệt, giai đoạn từ nay đến 2030, thành phố sẽ nghiên cứu tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt, trong đó:

- Giai đoạn từ nay đến 2025 nghiên cứu tổ chức 9 làn ưu tiên:  Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cổ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm; Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công; Võ Văn Kiệt.

- Giai đoạn 2026 - 2030 nghiên cứu tổ chức 5 làn ưu tiên: Nhổn - Hồ Tùng Mậu, Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín, Trần Duy Hưng - Hòa Lạc, Mỹ Đình - Nội Bài, Thường Tín - Phú Xuyên (dọc theo QL1 cũ).

Về tính hiệu quả của các dự án tuyến buýt nhanh BRT, trong đó có tuyến BRT01 (Yên Nghĩa - Kim Mã), UBND TP Hà Nội cho biết, vào ngày 1/1/2017, thành phố chính thức vận hành tuyến buýt này. Đây là một loại hình buýt mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và cũng là tuyến buýt nhanh đầu tiên của cả nước được triển khai thực hiện.

Sau 4 năm vận hành, sản lượng hành khách vận chuyển có xu hướng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước.

Trong đó, số lượng hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng 1 tuyến trên tuyến BRT bình quân trong tháng là 2,2 nghìn người. Đa phần hành khách hài lòng và đánh giá chất lượng dịch vụ của tuyến có những ưu điểm, thuận tiện hơn nhiều so với các tuyến buýt thông thường khác.

Riêng trong năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, sản lượng hành khách đi lại trên tuyến BRT cũng như các tuyến buýt khác trong toàn mạng có xu hướng sụt giảm (giảm 2,6% so năm 2019), tuy nhiên sau khi dịch bệnh được kiểm soát sản lượng hành khách trên tuyến bắt đầu có xu hướng ổn định trở lại...

Nguyễn Trường

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2030, Hà Nội muốn có thêm 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO