Bà con Hoài Khao nô nức đi thu hoạch sáp ong đá.
Lần đầu tiên lễ hội ‘Thu hoạch sáp ong đá’ được tổ chức tại xóm Hoài Khao, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng nhằm bảo lưu và tôn vinh một di sản văn hoá phi vật thể. Chương trình diễn ra từ 17 – 21/7/2024.
Hàng năm, khi đất trời chuẩn bị bước vào tiết lập thu, đàn ong khoái bay đi để lại vỏ sáp trên những vách hang núi đá cheo leo, bà con dân tộc Dao Tiền xóm Hoài Khao lại rộn ràng tổ chức nghi lễ cúng thần ong, thần rừng, thu hoạch tổ ong khoái và nấu sáp. Sự chung sống hoà hợp giữa con người và đàn ong khoái có từ bao đời nay, tiếp nối qua từng thế hệ đồng bào nơi xóm núi vùng cao này.
Đến Hoài Khao dịp này, du khách còn được người dân bản địa kể cho nghe những câu chuyện huyền bí về tổ ong khoái, báu vật có tuổi đời hàng trăm năm, được bà con vô cùng trân quý.
Những mảng sáp ong lớn được thu hoạch sau khi đàn ong dời tổ.
Ở xóm Hoài Khao có 2 điểm ong khoái về làm tổ là Chán Vềnh và Tà Lạt. Như một quy luật đã định sẵn, cứ lập xuân ong bay về làm tổ, lập thu ong lại bay đi về hướng nào không ai hay biết. Mọi người cùng nhau đoàn kết bảo vệ hang ong, kiên quyết không cho người lạ tiếp cận, bởi nếu bị lấy mật thì năm sau đàn ong sẽ không quay trở lại nữa.
Nhằm tạo ra một không gian văn hóa độc đáo, đặc sắc, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của Hoài Khao, nghi lễ cúng thần ong, thần rừng lần đầu được tổ chức với quy mô lễ hội. Chương trình cũng nhằm tôn vinh nét đẹp trong tri thức dân gian của người Dao và lưu giữ nét đẹp tri thức dân gian quan nghệ thuật vẽ sáp ong cùng các hoạt động cộng đồng phong phú.
Những mảng sáp ong lớn trên vách đá.
Ông Dương Hiển Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nguyên Bình cho biết, thời điểm thực hiện nghi lễ cúng thần ong thường được tổ chức vào khoảng tháng 8 – 9 hàng năm. Nhưng năm nay, do thời tiết thay đổi, mùa mưa đến sớm, dựa vào dự đoán của người dân Hoài Khao về việc có thể đàn ong sẽ bay đi sớm, nên nghi lễ cúng thần ong được thực hiện sớm hơn.
Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở Yên Bái (huyện Mù Kang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn) từng được nhac nước trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tham gia lễ hội Thu hoạch sáp ong đá ở Hoài Khao, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu sự khác nhau trong nghi thức và sáng tạo của người Dao.
Trẻ em ở Hoài Khao trong trang phục truyền thống của người Dao Tiền.
Hoài Khao nằm tách biệt dưới chân núi Phia Oắc ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, thuộc quần thể Vườn Quốc gia Phia Oắc – Phia Đén, được định danh là “ngôi nhà của người Dao”. Nơi đây chứa đựng cội rễ văn hóa người Dao, là quê hương của làn điệu Páo dung quyến rũ, nơi sở hữu kỹ thuật nấu sáp ong cổ truyền.
Dù chỉ có 34 hộ đồng bào dân tộc Dao Tiền sinh sống nhưng những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, từ trang phục đến các nghề truyền thống: in hoa văn bằng sáp ong, thêu thổ cẩm, nghề chạm bạc của người Dao gần như được gìn giữ nguyên vẹn. Trong ngôi làng nhỏ, hiện còn nguyên những ngôi nhà cổ bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Quần thể kiến trúc truyền thống ấy được đặt giữa thiên nhiên hoang sơ với núi đồi, thung lũng, thác suối, ruộng bậc thang,… tạo nên một vẻ đẹp bình yên, thơ mộng.
Một số hoạt động nổi bật tại lễ hội 17/07: Trưng bày triển lãm ảnh về hoài Khao; Lễ cấp sắc người Dao 18/7: Nông sản, hát giao duyên, trò chơi dân gian, ngâm chân thảo dược 19/7: Bắt cá chép ruộng, ngâm chân thảo dược 20/7: Thu hoạch sáp ong, cúng thần rừng, rước sáp ong và nấu sáp ong 21/7: Thi in văn hoá sáp ong trên vải |