Trên con đường rợp bóng cây xanh dẫn vào làng Thái Hải, chị Ma Thị Hoa, hướng dẫn viên dẫn khách tới giếng nước đầu làng, tự tay múc từng gáo nước trong lành để khách rửa tay, gột rửa bụi đường xa.
Giếng làng có mạch nước trong vắt, xung quanh xếp đá cuội, là nơi hội tụ sinh khí của trời đất. Người dân trong làng tâm niệm rằng, được gột rửa bằng nước giếng làng tâm hồn sẽ thanh tịnh, bình yên.
Tiếp đến chị Hoa lại dẫn khách tới chiếc mõ làng có tuổi đời bằng chính tuổi làng để gõ những tiếng chuông báo hiệu “khách quý” đến chơi nhà. Vừa đi chị Hoa vừa giới thiệu cho du khách về ngôi làng đặc biệt này.
Ngôi làng cổ tích của người Tày bình yên trong nắng sớm.
Tiếng chuông báo hiệu khách quý đến chơi nhà.
Làng có tên gọi đầy đủ là Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, hay còn được gọi với những cái tên thân thương như bản làng Thái Hải, bản làng cổ tích, bản làng độc nhất vô nhị.
Làng nằm tại xóm Cường, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, thành lập năm 2003 rộng gần 70ha. Điểm đặc biệt của ngôi làng không chỉ là không gian xanh mát, ngập tràn cây xanh mà đây còn là nơi lưu giữ lưu giữ 30 ngôi nhà sàn cổ của dân tộc Tày, cũng như là nơi bảo tồn văn hóa của người dân tộc Tày.
Không gian ngập tràn cây xanh ở làng Thái Hải
Theo giới thiệu của hướng dẫn viên Ma Thị Hoa, 30 ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày đều được chuyển về từ vùng đất cách mạng ATK Định Hóa, có tuổi đời từ vài chục đến gần 100 năm. Mỗi nhà sàn cổ ở đây lại có một chức năng, nhiệm vụ riêng. Nhà thuốc là nơi gìn giữ thuốc nam gia truyền có trách nhiệm bảo tồn, thu hái, bảo quản, cung cấp những bài thuốc để chữa bệnh cho người làng, cả du khách muốn mua thuốc gia truyền của bản. Nhà rượu nấu rượu, bảo tồn rượu dân tộc. Nhà đan lát làm ra những đồ gia dụng bằng tre, nứa để làng dùng và bán cho du khách. Nhà làm bánh là nơi làm các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh gai, chè lam của bà con dân tộc Tày…
Thăm nhà rượu truyền thống và xem bà mế nấu rượu trên bếp lửa sàn.
Thăm nhà làm bánh và tìm hiểu công thức làm bánh truyền thống.
Trải nghiệm ở nhà thuốc cùng bà mế và hướng dẫn viên Ma Thị Hoa.
Du khách đến tham quan, bà con dân bản đón tiếp giống như là đón người thân về nhà. Đến mỗi nhà, khách được thưởng thức đặc sản vừa được nghe giới thiệu về tập tục sinh hoạt của bà con dân tộc Tày.
Khách đến tham quan vừa thưởng thứ đặc sản vừa tìm hiểu phong tục tập quán và nét văn hóa của bà con dân tộc Tày.
Không chỉ ấn tượng về không gian văn hóa độc đáo, du khách đến làng Thái Hải còn vô cùng ngạc nhiên bởi khung cảnh bình yên toát lên từ chính bà con sinh sống tại làng.
Anh Nguyễn Quang Tuấn, phó làng Thái Hải cho biết, hiện làng có 151 người với 3 thế hệ và là ngôi làng khác biệt, độc nhất vô nhị bởi mọi người ở đây sống gắn bó với nhau cùng ăn cơm chung, cùng tiêu chung túi tiền. Anh Quang Tuấn giải thích, ở làng từ việc to như làm lễ, dựng nhà, trồng cây, đến các việc hàng ngày như nấu riệu, đồ xôi, làm đồ ăn tiếp khách phương xa,... người dân làng Thái Hải đều phân công và cùng nhau thực hiện. Mọi khoản thu đều được chuyển về quỹ chung của làng, từ đó trang trải cho trẻ con đi học, lo cho trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng, lo cho cuộc sống của dân làng. Hàng ngày người dân chia nhau đi làm, khỏe thì đi, mệt thì nghỉ, ngày ba bữa, cả làng lại quay về nhà ăn tập thể cùng ăn chung, trò chuyện…
Bà con nơi đây, cùng làm, cùng ăn chung, tiêu chung túi tiền.
“Một ngày mới bắt đầu nơi bản làng với tiếng mõ báo hiệu bình minh, bên trong nếp nhà sàn, bà các mế lục đục cời bếp, thổi lửa, đàn ông mài dao chuẩn bị cho một ngày lao động; chị em ra giếng làng gánh nước chuẩn bị nấu cơm. Từ lâu lắm rồi, cuộc sống cứ thế yên bình trôi qua nơi mảnh đất này” phó làng Thái Hải chia sẻ.
Trẻ con sau khi đi học về vui vẻ đến nhà ăn tập thể.
Món ăn đẹp mắt gợi nhắc ẩm thực truyền thống.
Chị Nguyễn Phương Trang, phố Huế, Hà Nội cho biết, chị và gia đình vừa có chuyến đến làng Thái Hải vào những ngày đầu tháng 10. Không gian xanh mát và thơ mộng là cảm nhận đầu tiên của chị Phương Trang khi đặt chân đến làng Thái Hải.
Nụ cười bình yên nơi đây khiến du khách như được trở về chốn bình yên.
Đặc biệt, chị Phương Trang cho biết, chị ngạc nhiên khi biết được còn có 1 nơi mà người dân cùng nhau kiếm tiền, cùng tiêu chung. Gương mặt ai cũng ánh nên sự hạnh phúc và mãn nguyện với cuộc sống. Chị Trang chia sẻ: “Đến đây, tôi được hòa mình vào không gian thiên nhiên xanh đậm chất bản xứ, được tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân tộc Tày, được thưởng thức những món ăn ẩm thực truyền thống và cảm nhận sự hạnh phúc của người dân nơi đây. Cảm giác thú vị và bình yên”.