Vào tháng 8 năm 2019, Vương Kiện, một nhân viên văn phòng ở Nhã An, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, cùng bạn bè đi câu cá ở đập Lưỡng Hà Khẩu thì tình cờ tìm thấy một vài viên đá có vẻ ngoài kỳ quái. Anh ta cảm thấy rất tò mò bèn đem nhặt nó đem về nhà.
Sau đó, người bạn họ Lý của Vương Kiện, một người rất rành về khoáng chất và đá quý hiếm, tới nhà chơi. Vương Kiện khoe với Lý về những viên đá mình đã nhặt được. Người họ Lý kia đề nghị được xem những viên đá đó. Khi nhìn những hòn đá trên tay của Vương Kiện, ông Lý cảm thấy chúng rất khác biệt.
Theo quan sát của ông Lý, những viên đá này có bề mặt khác hẳn với đá cuội thông thường. Chúng có nhiều vết rỗ nhỏ, không đồng đều. Cả hai cùng tìm kiếm trên Internet và tìm thấy thông tin và hình ảnh về thiên thạch rất giống với những viên đá của Vương Kiện. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, Vương Kiện không thể đem các hòn đá đi kiểm định ngay.
Vì tò mò, Vương Kiện đã đem những viên đá kỳ lạ mình tình cờ tìm thấy về nhà. (Ảnh: Sina)
Mãi cho tới ngày 17 tháng 9 năm 2020, Vương Kiện và bạn bè của mình tới Trung tâm kiểm định Đá và Khoáng sản Thành Đô thuộc Cục Địa chất và Tài nguyên khoáng sản tỉnh Tứ Xuyên để nhờ kiểm tra. Sau khi hoàn thành các thủ tục ủy quyền thẩm định, Vương Kiện được thông báo rằng anh cần phải chờ 1 tuần mới có thể nhận được báo cáo chi tiết.
Cuối cùng, các chuyên gia đã kết luận rằng những viên đá mà Vương Kiện tìm thấy là đá Tektite, chứ không phải là thiên thạch.
Tên gọi của loại đá này xuất phát từ tiếng Hi Lạp là "Tektos" có nghĩa là "nóng chảy", ngụ ý nói tới nguồn gốc phát sinh của nó: hình thành khi bị nóng chảy rồi nguội rất nhanh. Ngoài ra, nó còn có tên gọi khác là đá Tectit do nhà địa chất học người Áo - Franz Eduard Suess đặt cho. Đá Tektite được coi là loại đá quý đặc biệt, có nguồn gốc từ vũ trụ. Nó tồn tại ở dạng thủy tinh tự nhiên.
Các nhà khoa học đã tìm được nhiều dấu tích chứng minh chúng được hình thành do sự va chạm của thiên thạch với vỏ Trái Đất. Nhiệt độ cao và lực va chạm vô cùng mạnh của từ chúng khiến cho đá và cát bắn lên không trung, bay vào không gian và nguội dần. Sau khi nguội đi, chúng bị các tiểu hành tinh hoặc sao chổi va đập và đẩy trở lại Trái Đất, rơi xuống mặt đất và tạo nên đá Tektite.
Các chuyên gia đã xác định rằng những viên đá Vương Kiện nhặt được là đá Tektite; dù có bề ngoài khá giống nhưng không phải là thiên thạch. (Ảnh: Sina)
Mặc dù thiên thạch tạo ra đá Tektite nhưng bản thân nó lại không phải là thiên thạch. Đặc điểm nhận dạng của đá Tektite là thường có vết lõm lỗ chỗ trên bề mặt do bị nhiệt độ cao, ma sát làm nóng. Khi cắt ra chúng có 1 bề mặt bóng loáng, khi chiếu ánh sáng mạnh sẽ thấy ánh sáng tỏa ra có màu vàng xám.
Trong thành phần hóa học của Tektite chủ yếu là SiO2, Al2O3, CaO…, giống với thành phần hóa học của vỏ trái đất, không giống với thành phần hóa học của thiên thạch vốn chứa Niken và Sắt là chủ yếu. Chúng thường có màu đen, nâu xanh, nâu trong, xanh lá cây hoặc không màu.
Đá Tektite có thể được tìm thấy ở Châu Âu, Úc, Nam Phi, Tasmania, Philippines, Việt Nam và nhiều địa điểm khác đã trải qua các vụ va chạm với thiên thạch. Tektite được tìm thấy tại nhiều di chỉ khảo cổ tại châu Âu với niên đại hàng ngàn năm. Tuy vậy, giá trị kinh tế của đá Tektite không cao, giống những viên đá mà Vương Kiện nhặt được.