Đểm tin Kinh doanh 10/9: Giá vàng: Vàng nhẫn giảm phiên đầu tuần

Việt Báo (Tổng hợp)| 10/09/2024 06:00

Siêu bão Yagi “thổi tốc giá” cổ phiếu thép; ạm phát Trung Quốc tăng nhanh trong tháng 8

gia-vang-27-8.jpg

- Giá vàng: Vàng nhẫn giảm phiên đầu tuần

Giá vàng thế giới hôm 9/9 đi ngang, giao dịch sát mốc 2.500 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 80,5 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC giảm xuống 78,45 triệu đồng/lượng.

Tại thời điểm 10 giờ ngày 9/9, giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 78,5 triệu đồng/lượng mua vào và 80,5 triệu đồng/lượng bán ra.

Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 77,3-78,45 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng so kết phiên trước đó.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 78,5-80,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn SJC 9999 đang giao dịch mua vào 77,15 triệu đồng/lượng, bán ra 78,45 triệu đồng/lượng.

Vàng PNJ mua vào ở mức 77,3 triệu đồng/lượng và bán ra mức 78,45 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 100.000 đồng và 50.000 đồng so kết phiên hôm qua.

Tính đến 10 giờ sáng 9/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giảm nhẹ 0,3 USD so kết phiên hôm trước xuống mức 2.496,9 USD/ounce.

Tuần qua, giá vàng đã trải qua một chuỗi phiên giao dịch không mấy ấn tượng, dao động quanh 2.500 USD/ounce.

Về triển vọng tuần này của vàng, đội ngũ nhà đầu tư lớn tỏ ra không mấy lạc quan, trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn giữ tâm lý tích cực đối với kim loại quý này.

Trưởng phòng Chiến lược thị trường tại Blue Line Futures Phillip Streible nhận định, tăng trưởng việc làm tại Hoa Kỳ yếu hơn dự kiến ​​trong báo cáo mới nhất làm tăng thêm tin tưởng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 17 và 18/9. Việc cắt giảm gần như là điều chắc chắn nhưng có lẽ các nhà đầu tư đang kỳ vọng quá cao về một đợt cắt giảm lớn.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, nhìn xa hơn, chu kỳ nới lỏng kéo dài với nhiều lần cắt giảm 25 điểm cơ bản liên tiếp sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn trong tương lai.

- Siêu bão Yagi “thổi tốc giá” cổ phiếu thép

Thị trường chào tuần mới bằng một phiên sụt giảm, cổ phiếu giảm giá áp đảo. Tuy vậy vẫn có khá nhiều mã đi ngược dòng, nổi bật là nhóm cổ phiếu thép khi nhà đầu tư kỳ vọng các thiệt hại của bão Yagi (bão số 3) sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôn thép. HPG và HSG là hai cổ phiếu nổi bật, đang giữ vị trí hàng đầu về thanh khoản toàn thị trường...

Thị trường chào tuần mới bằng một phiên sụt giảm, cổ phiếu giảm giá áp đảo. Tuy vậy vẫn có khá nhiều mã đi ngược dòng, nổi bật là nhóm cổ phiếu thép khi nhà đầu tư kỳ vọng các thiệt hại của bão Yagi (bão số 3) sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôn thép. HPG và HSG là hai cổ phiếu nổi bật, đang giữ vị trí hàng đầu về thanh khoản toàn thị trường.

Không chỉ thu hút dòng tiền, nhóm cổ phiếu thép cũng tăng giá tốt. HPG tăng 1,57%, HSG tăng 2,51%, NKG tăng 2,64%, VGS tăng 1,99%, TVN tăng 3,33%, TLH tăng 1,94%...

Thực ra việc cổ phiếu thép tăng mạnh sáng 9/9 chỉ một phần là trùng hợp về thông tin kỳ vọng. Nhóm này nhiều mã đã điều chỉnh mạnh trước đó: HPG trong nửa sau tháng 8 vừa qua giảm tối đa tới hơn 6% và điều chỉnh tối đa từ đỉnh tháng 6 khoảng 17%. HSG những ngày đầu tháng 9 cũng quay lại kiểm định đáy 5 tháng. Mặt khác, lực cầu gia tăng đột ngột sáng nay cũng thúc đẩy khối lượng bán lớn: HPG đang bị đánh tụt trở lại khoảng 1,53% so với giá cao nhất phiên, HSG tụt 1,92%, NKG tụt 1,38%...

Độ rộng sàn HoSE cả phiên sáng 9/9 đều cho thấy đà giảm áp đảo, VN-Index kết phiên sáng chỉ có 104 mã tăng/271 mã giảm. Ngoài nhóm thép giao dịch nổi bật, nhóm tăng giá hầu hết là các cổ phiếu giao dịch nhỏ. Khoảng 34 cổ phiếu đang tăng trên 1% thì chỉ còn lác đác vài mã thanh khoản tốt hơn mặt bằng chung như BAF tăng 2,25% khớp 22,1 tỷ; NAB tăng 1,85% khớp 34,3 tỷ; BWE tăng 1,34% với 14 tỷ; NVL tăng 1,15% với 100,1 tỷ.

- Morgan Stanley tiếp tục hạ dự báo giá dầu

Ngân hàng Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu Brent lần thứ hai trong vài tuần qua, khi các thách thức về nhu cầu ngày càng gia tăng trong khi nguồn cung vẫn dồi dào.

Theo báo cáo từ các nhà phân tích, giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 75 USD/thùng trong quý IV/2024, thấp hơn so với dự báo 80 USD/thùng được đưa ra trong tháng trước.

Giá dầu Brent gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021 giữa những lo ngại về nhu cầu yếu kém tại Trung Quốc và các dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ giảm tốc. Trong khi đó, sản lượng dầu vẫn cao, buộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ phải hoãn kế hoạch nới lỏng các hạn chế sản xuất.

Sự điều chỉnh dự báo của Morgan Stanley cũng phản ánh lo ngại từ các ngân hàng hàng đầu khác. Goldman Sachs Group Inc. đã điều chỉnh dự báo của mình vào tháng trước, trong khi gần đây Citigroup Inc. cho rằng thị trường có thể sẽ dư cung và giá dầu có thể ở mức trung bình 60 USD/thùng vào năm 2025 nếu OPEC+ không cắt giảm sản lượng sâu hơn.

bai-qui-1-1.jpg

- SSI thêm mới 3 cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng

SSI kỳ vọng điểm số và thanh khoản của thị trường sẽ khởi sắc hơn trong 2 tuần cuối tháng 9, khi trọng tâm theo dõi sẽ quay lại các yếu tố nội tại trong nước như kinh tế phục hồi, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp...

Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9 mới cập nhật, SSI đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang có lợi thế về định giá hấp dẫn, với mức P/E là 11,6 lần vào ngày 6/9/2024 - thấp hơn so với một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á.

Đơn vị phân tích kỳ vọng điểm số và thanh khoản của thị trường sẽ khởi sắc hơn trong 2 tuần cuối tháng 9 khi trọng tâm theo dõi sẽ quay lại các yếu tố nội tại trong nước, với các nhóm ngành triển vọng hưởng lợi từ kỳ vọng hồi phục tăng trưởng như tiêu dùng (thực phẩm, bán lẻ), xuất khẩu, ngân hàng, xây dựng/vật liệu xây dựng.

Với nhận định trên, SSI thêm mới ba cổ phiếu vào danh sách những mã triển vọng cùng với VNM và DPR. Đó là CTG, VLB và MWG. Đồng thời loại bỏ HAH và PNJ ra khỏi danh sách.

- Lạm phát Trung Quốc tăng nhanh trong tháng 8

Ngày 9/9, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) thông báo, chỉ số giá tiêu dùng nước này trong tháng 8 (CPI) tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ leo thang lạm phát nhanh nhất tại Trung Quốc trong nửa năm gần đây.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát gia tăng chủ yếu do chi phí thực phẩm lên cao bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra trong mùa hè vừa qua. Có lúc nhiệt độ quá cao, có lúc mưa lớn gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng tới nuôi trồng và nguồn cung thực phẩm.

Tổng diện tích cây trồng tại Trung Quốc bị ảnh hưởng do thảm họa thiên nhiên lên tới 1,46 triệu ha vào tháng 8. Điều này khiến giá thực phẩm tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát cơ bản trong tháng 8, không bao gồm biến động về giá thực phẩm và năng lượng, là 0,3% - mức thấp nhất trong 3 qua. Chỉ số lạm phát tiêu dùng tăng 0,4% so với tháng trước.

Thông tin về lạm phát đang tạo áp lực ngày càng tăng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh thị trường nhà ở suy thoái kéo dài, tình trạng thất nghiệp dai dẳng, căng thẳng thương mại tiếp diễn.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đểm tin Kinh doanh 10/9: Giá vàng: Vàng nhẫn giảm phiên đầu tuần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO