Chiều 29/1 (19 tháng Chạp), gia đình bà Cúc (57 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) thay nhau mang từng chậu bông ra bờ sông Bến Tre chất lên ghe. Sau khi chuyển xong khoảng hơn 100 chậu mai cùng 50 chậu hoa giấy, bà Cúc về nhà chuẩn bị cơm nước.
Đến 4h sáng hôm sau, ghe nổ máy bắt đầu chuyến hành trình "chở Tết" từ huyện Chợ Lách (Bến Tre) lên TPHCM. Trên chiếc ghe không quá lớn, có phần bạc màu theo thời gian, bà Cúc cùng anh Duy (38 tuổi, con bà Cúc), tranh thủ ăn miếng cơm chuẩn bị sẵn, lấy sức vượt sông nước.
17h cùng ngày, chiếc ghe của gia đình bà Cúc đã cập bến Bình Đông, ngay kênh Tàu Hủ, quận 8, TPHCM. Sau khi đăng ký với UBND phường, bà Cúc được phường đồng ý cho phép bán.
Hơn 20 năm qua, bà Cúc không nhớ đã "mang Tết" đến cho bao nhiêu nhà dân ở TPHCM.
Đêm 30 Tết lên ghe trở về nhà
Cứ cuối tháng 12 Âm lịch hằng năm, chợ hoa xuân ở bến Bình Đông lại nhộp nhịp ghe xuồng chất đầy hoa tươi, cây cảnh từ các tỉnh miền Tây lên TPHCM bày bán.
Dịp này, dọc đường Bình Đông và kênh Tàu Hủ song song với đại lộ Võ Văn Kiệt được điểm sắc bởi các loại hoa mai, hoa cúc, hoa giấy, cây bonsai, quất cảnh,...
"Vào xem hoa này chú ơi, hoa mai chỉ 200.000 đồng/ chậu, mua ủng hộ đi chú ơi", đó là lời rao của bà Cúc mỗi lần có khách đi qua.
Tại Chợ Lách, gia đình bà Cúc có 4 sào đất trồng mai và hoa giấy. Năm nay, lứa hoa mà bà mang lên bán đã được chăm sóc hơn 6 năm, các loại hoa này có giá từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng tùy theo kích thước, kiểu dáng.
Lên bến Bình Đông được 2 ngày, tuy nhiên số hoa mà bà bán được chỉ vỏn vẹn chục cây. Theo bà Cúc, so với mọi năm thời điểm này khách vẫn chưa mua nhiều, đa phần người dân đi xem.
"Nhờ chiếc ghe gia đình tự sắm nên không mất tiền thuê, nếu không cũng mất bộn chi phí. Mấy năm trước tôi cùng chồng lên bán chung, tuy nhiên năm ngoái thất thu nên năm nay hai vợ chồng chia nhau bán ở hai điểm. Chồng tôi lên sau, bán ở bên Nguyễn Văn Cừ, quận 5", bà Cúc nói.
Năm nay, mặc dù bận công việc nhưng anh Duy vẫn tranh thủ nghỉ sớm về nhà phụ gia đình mang hoa lên bán. Theo anh Duy, đi ghe tốn nhiều thời gian, tuy nhiên cách vận chuyển này tốt hơn dùng xe tải, hoa sẽ không bị rơi rụng, gãy cành.
"Năm nào cũng vậy, dù bán hết hay không, đêm 30 chúng tôi lại xuôi ghe về nhà. Khi ghe vừa qua cầu Bình Điền, nghe tiếng pháo giao thừa, lòng tôi lại càng nôn nao muốn đi nhanh hơn để sớm sum họp cùng gia đình", anh Duy bộc bạch.
"Năm nào cũng phải đi, ở nhà buồn lắm"
Sau khi vượt hàng chục cây số từ Bến Tre lên TPHCM, bà Liên (50 tuổi) vừa ăn ổ bánh mì, vừa tranh thủ kiểm tra lại số hoa để bày bán.
10 năm trước, cha mẹ bà Liên trồng mai, tuy nhiên chỉ trồng chơi. Đến khi bà đi lấy chồng, phát hiện giá trị kinh tế mà cây mai mang lại nên hai vợ chồng bà quyết định vay mượn, góp vốn tập tành kinh doanh.
Năm nay, bà Liên đem lên khoảng 200 chậu mai lên TPHCM, tại vườn bà còn nhiều cây nhưng số cây đó không đạt chất lượng nên bà để lại chăm, chờ năm sau bán tiếp.
"Năm ngoái tôi mang lên nhiều hơn, tuy nhiên không bán được, coi như xé nháp, năm nay tôi mang vừa phải nhưng không biết còn nháp nữa hay không", bà Liên cười, nói.
Để vận chuyển số mai trên lên thành phố, bà Liên thuê ghe đi từ ngày 20 đến ngày 30 tháng Chạp với giá 20 triệu đồng. Lên đến bến Bình Đông, bà lại một thân một mình thâu đêm, suốt sáng trông hàng.
"Nghề này cực lắm, làm quần quật suốt năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" chỉ mong một vụ Tết. Nghề trồng mai như tỷ lệ nghịch với người trồng, cây đẹp thì mình tàn. Dẫu khó khăn nhưng tôi không bỏ được, công việc này đã nuôi sống gia đình tôi suốt nhiều năm qua", bà Liên tâm sự.
Dọc bến Bình Đông, khi hỏi người bán hoa Tết lâu năm nhất chắc hẳn ai cũng biết ông Hoàng, bà Ngôn (ngoài 70 tuổi, cùng quê Bến Tre). Tuổi đã cao, nhưng năm nào cũng vậy hai vợ chồng ông Hoàng là người mang hoa đến kênh Tàu Hủ bán sớm nhất.
"Tôi bán mấy chục năm rồi, năm nay tôi không đi ghe, ngày 15 tháng Chạp tôi và vợ thuê xe tải với giá 3 triệu đồng chở hoa lên bán. Dù có năm bán lời, có năm lỗ, nhưng năm nào cũng phải đi, không đi không được, ở nhà buồn lắm", ông Hoàng nói.
Nhớ lại bến Bình Đông ngày xưa, ông Hoàng kể lại, khu vực này trước đây phức tạp, đủ thứ tệ nạn, các tiểu thương lên bán bị mất cắp thường xuyên.
Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, việc buôn bán đã đi vào nề nếp, cơ quan chức năng tổ chức hội hoa xuân trên bến dưới thuyền, lực lượng công an, bảo vệ túc trực 24/24h nên người dân cũng như thương lái an tâm hơn.