Đề xuất xe đưa đón học sinh phải có còi báo động khi trẻ bị bỏ quên

17/01/2024 17:32

Theo đề xuất mới của Bộ GTVT, xe đưa đón học sinh phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe trong thời gian không quá 15 phút.

Bộ GTVT vừa có văn bản lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô (thay thế QCVN 09:2015/BGTVT).

Đáng chú ý, dự thảo quy chuẩn mới bổ sung loại hình xe chở học sinh với những yêu cầu riêng về an toàn kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn ở mức tốt nhất trong hoạt động vận chuyển học sinh.

xe don hoc sinh.jpeg
Xe đưa đón học sinh được đề xuất một số quy chuẩn kỹ thuật mới. (Ảnh minh họa)

Theo đó, xe chở học sinh (school bus) được định nghĩa là xe ô tô chở người chuyên dụng, được thiết kế thành các loại xe chở người để sử dụng vận chuyển không ít hơn 9 học sinh (từ trẻ em mẫu giáo, tiểu học cho đến trung học) và người quản lý học sinh.

Đối với xe chở trẻ em mẫu giáo, được chở số lượng học sinh không quá 45 người; đối với xe đưa đón học sinh tiểu học, trung học cơ sở, tối đa số lượng học sinh không quá 56 người.

Ngoài các yêu cầu chung của quy chuẩn, xe chở học sinh phải đáp ứng các yêu cầu riêng từ màu sắc nhận diện đến cấu trúc bảo đảm an toàn, hệ thống giám sát bên trong và ngoài xe, hệ thống báo động khẩn cấp.

Về nhận diện bên ngoài, xe chở học sinh phải được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh hai bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học. Mã xe chở học sinh phải được đánh số và bố trí vị trí nằm hai bên thân xe và phía đằng trước, đằng sau xe.

Trên xe phải có các biển hiệu riêng, mặt sau xe phải có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt xe buýt đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh. Xe phải lắp rào chắn phía trước và phía sau để tạo cấu trúc an toàn khi xảy ra va chạm.

Bên trong xe, không được bố trí ghế ngồi của học sinh thuộc hàng ghế đầu tiên cùng với hàng ghế người lái xe. Xe chở học sinh có ghế được bố trí từ hàng thứ 2 trở đi và được trang bị loại dây đai an toàn hai điểm; không lắp đặt giá để hành lý bên trên (bố trí khoang để hành lý ở bên ngang xe); bậc lên xuống có tay vịn phù hợp quy chuẩn.

Xe phải có lối thoát hiểm được mở từ bên trong hoặc bên ngoài và phải có khóa để đáp ứng việc sơ tán hoặc cứu hộ ra bên ngoài xe trong các tình huống khẩn cấp.

Trên xe phải bố trí lắp đặt ít nhất một bộ sơ cứu được đánh dấu rõ ràng bằng ký hiệu quốc tế và công tắc cảnh báo khẩn cấp trong các trường hợp đặc biệt; phải được trang bị bình chữa cháy để đề phòng trường hợp hỏa hoạn.

Dự thảo quy chuẩn nêu rõ: "Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, hành vi của giám hộ học sinh, hành vi của học sinh trên xe.

Camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống trước khi đón trả học sinh. Các thiết bị phải trang bị hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe.

Có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe thời gian không quá 15 phút".

Nên làm dù tốn kém hơn

Trao đổi với PV VietNamNet, TS. Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT và cho biết tại nhiều nước, ô tô chở học sinh có hình dạng khác biệt, nhìn thấy ngay.

“Ở Việt Nam do nhiều yếu tố chưa thể có được những xe như thế thì việc sử dụng màu sơn cho các xe thông dụng cũng là cách để nhận dạng xe chở học sinh.

Tôi e rằng những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe đưa đón học sinh chưa chắc sẽ ủng hộ đề xuất này. Nhưng để phục vụ cho các nhà trường, đặc biệt cho học sinh, tôi mong muốn nó phải chuyên nghiệp. Do đó tôi ủng hộ phương án này, dù tốn kém hơn một chút nhưng nên làm”,  TS. Nguyễn Văn Hòa bày tỏ.

Theo TS. Nguyễn Văn Hòa, việc xe chở học sinh có màu sơn riêng sẽ rất thuận lợi trong quá trình lưu thông, nếu xảy ra sự cố sẽ nhận được hỗ trợ. Đặc biệt, ông rất đồng tình với quy định bắt buộc phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp khi có học sinh bị bỏ quên trên xe trong thời gian không quá 15 phút.

Trong khi đó, một doanh nghiệp vận tải lại cho rằng, nếu bắt buộc xe chở học sinh phải có màu sơn riêng sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp khi phải đi đăng ký lại để đổi màu sơn.

Ngoài ra, hiện nay, ngoài thời gian chở học sinh nhiều xe vẫn được sử dụng cho những công việc khác. Nếu quy định này được thông qua thì xe chở học sinh sẽ chỉ được phục vụ các cháu mà không thể 'tận dụng' làm việc khác. Như thế, chi phí cho gia đình học sinh sẽ tăng lên.

Hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô đã khá phổ biến tại các thành phố lớn ở nước ta. Thực tế, đã xảy ra một số vụ học sinh bị bỏ quên trên ô tô đưa đón, trong đó có trường hợp trẻ không được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, hiện tại chưa có quy chuẩn dành riêng cho xe đưa đón học sinh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất xe đưa đón học sinh phải có còi báo động khi trẻ bị bỏ quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO