Đề xuất thí điểm học online đào tạo lái xe: Cơ quan quản lý nói gì?

28/08/2023 13:15

Bộ GTVT đang giao Cục Đường bộ nghiên cứu quy định đào tạo trực tuyến lý thuyết các hạng giấy phép lái xe B2, C, D, E, F. Việc sửa đổi này sẽ được thực hiện trong thời gian tới, không chờ đến khi sửa Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM có văn bản trình UBND TP. HCM đề xuất triển khai đề án thí điểm “đào tạo tập trung trên nền tảng số và hệ thống quản trị cơ sở đào tạo nghề lái ô tô hạng B (B1, B2), C”.

Theo đó, đề án kiến nghị các cơ quan chức năng  cho phép áp dụng hình thức học tập đào tạo trên nền tảng số - sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để giảng dạy như máy tính, điện thoại, Internet, phần mềm, ứng dụng, trang web.

Học viên có thể chủ động học từ xa mà không còn phải bắt buộc đến trung tâm học trực tiếp, có điểm danh.

Đề xuất này nhận được nhiều sự ủng hộ của người học cũng như các chuyên gia.  Anh Nguyễn Văn Đồng, người dạy lái xe cho biết, nếu các cơ quan chức năng cho phép học online lý thuyết sẽ là bước đột phá trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe.

TP. HCM đề xuất cho phép thí điểm đào tạo online các môn lý thuyết khi học lái xe

Theo anh Đồng, điều này cũng hoàn toàn hợp lý. Bởi trên thực tế, nhiều trường đại học, nhiều môn học cũng đã tổ chức dạy, học từ xa, học online thì không có lý do gì lý thuyết lái xe lại không thể áp dụng.

Với thâm niên nhiều năm làm công tác đào tạo cho học viên, anh Đồng cho rằng quan trọng nhất là làm sao để kiểm soát quá trình học online của học viên chặt chẽ.

“Các cơ sở đào tạo có thể áp dụng công nghệ thông tin để giám sát. Đồng thời để xác định học viên đủ điều kiện tham gia thi sát hạch thì họ phải trải qua những bài kiểm tra.

Thêm vào đó, khi tiến hành thi sát hạch phải rất chặt chẽ, nghiêm túc, không để lọt các trường hợp quay cóp, tiêu cực... Mục tiêu làm sao để học viên phải nắm chắc lý thuyết trước khi chính thức bước vào kỳ thi sát hạch”, anh Đồng nói.

Tương tự, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM cũng cho rằng thay đổi phương thức đào tạo các môn học lý thuyết từ truyền thống sang đào tạo theo mô hình tập trung trên nền tảng số phù hợp với chương trình chuyển đổi số, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử.

Do đó, Sở GTVT đề xuất UBND TP có văn bản kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận đề án thí điểm này. Sau khi được Bộ GTVT thống nhất sẽ triển khai thực hiện tại các cơ sở đào tạo lái xe khác trên địa bàn TP nhằm tránh tình trạng độc quyền.

Trao đổi thêm với phóng viên về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp đã cho phép đào tạo học nghề theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến, từ xa.

Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ chỉ cho phép không phải học tập trung đối với các hạng giấy phép lái xe (GPLX) không thời hạn như A1, A2, A3 (cấp cho người lái mô tô), A4 (cấp cho người lái máy kéo) và B1 (cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển ô tô đến chín chỗ; xe tải, máy kéo dưới 3.500 kg).

“Đối với GPLX hạng B2 trở lên bắt buộc học tập trung. Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, Bộ GTVT cũng cho các sở GTVT tổ chức đào tạo trực tuyến về cấp giấy phép lái xe nhưng đây là giải pháp tình thế, cấp bách”, ông Thống nói.

Tuy nhiên, theo ông Thống, trước ý kiến của một số cơ sở đào tạo lái xe và xu hướng hiện nay, ngành giao thông cũng nhìn nhận cần phải điều chỉnh hình thức học cho phù hợp. Vì vậy, Bộ GTVT đang giao cho Cục Đường bộ nghiên cứu quy định đào tạo hình thức không tập trung các hạng GPLX B2, C, D, E, F.

“Việc sửa đổi này sẽ được thực hiện trong thời gian tới, không chờ đến khi sửa Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ)”, ông Thống cho hay.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất thí điểm học online đào tạo lái xe: Cơ quan quản lý nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO