Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị định về việc tạm sử dụng rừng phục vụ thi công dự án nguồn điện và lưới điện để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Chủ tịch tỉnh quyết định phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng
Theo dự thảo, khi phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng, dự án phải đáp ứng một trong các điều kiện:
- Trường hợp dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, phải có quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
- Trường hợp dự án không chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng có tạm sử dụng rừng, phải có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
"Chỉ cho phép tạm sử dụng rừng trong trường hợp dự án bắt buộc phải sử dụng trên diện tích có rừng do không thể bố trí trên diện tích đất khác. Hạn chế tối đa diện tích tạm sử dụng rừng để thực hiện dự án nguồn điện và lưới điện. Diện tích tạm sử dụng phải được điều tra, đánh giá về hiện trạng diện tích, trữ lượng", dự thảo nêu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ trì soạn thảo) đề xuất, "nội dung tác động vào rừng, phục hồi rừng phải được thể hiện đầy đủ trong phương án tạm sử dụng rừng. Không sử dụng tạm rừng trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, phạm vi diện tích rừng có các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm".
Đặc biệt, Bộ này nhấn mạnh "không được lợi dụng để phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật".
Việc phục hồi rừng được thực hiện ngay trong mùa vụ trồng rừng gần nhất tại địa phương nhưng không quá 12 tháng tính từ thời gian tạm sử dụng rừng kết thúc trong phương án được phê duyệt; bảo đảm diện tích rừng được phục hồi đáp ứng tiêu chí thành rừng theo quy định pháp luật về lâm nghiệp.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng để thực hiện các hạng mục công trình tạm phục vụ thi công dự án nguồn điện và lưới điện để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Nếu diện tích rừng tạm sử dụng thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phải có văn bản lấy ý kiến của các cơ quan này.
Dự thảo nêu rõ, chủ dự án có trách nhiệm phục hồi rừng sau khi tạm sử dụng rừng. Việc phục hồi rừng, nghiệm thu rừng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong trường hợp không tự trồng rừng, cho phép chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng cho chủ rừng để thực hiện công tác phục hồi rừng. Nội dung thỏa thuận giữa chủ đầu tư và chủ rừng phải được thể hiện cụ thể trong phương án tạm sử dụng rừng được phê duyệt.
"Gỡ vướng" để sớm vận hành các dự án nguồn điện, lưới điện
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước.
Trong đó, EVN đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải (220kV-500kV) theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh và Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như: Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu; Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa; Đường dây 220kV Nâm Sum - Nông Cống (phần đường dây trên lãnh thổ Việt Nam); Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên; Trạm biến áp 220kV Nghĩa Lộ và đường dây 220kV đấu nối Nghĩa Lộ - TBA 500kV Việt Trì; Đường dây 220kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ; Đường dây 220kV Tương Dương - Đô Lương; Đường dây 220kV Thạnh Mỹ - Duy Xuyên,...
Tính chất đặc thù của các tuyến đường dây lưới điện, đặc biệt các tuyến đường dây truyền tải 500kV, phần lớn đi vượt rừng, núi có địa hình phức tạp nên các vị trí móng cột điện nằm xa các tuyến đường giao thông hiện hữu. Nếu không có các hạng mục tạm (tuyến đường tạm, bãi tạm tập kết, các hạng mục phụ trợ phục vụ cho thi công móng cột điện, vận chuyển vật tư, máy móc, thiết bị) sẽ không thể thi công xây dựng các hạng mục như móng, cột điện, hệ thống dây truyền tải điện...
"Việc ban hành nghị định sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành các dự án nguồn điện, lưới điện, đặc biệt là các dự án đường dây 500kV mạch 3, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị", tờ trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi tới Bộ Tư pháp nêu rõ.
Xây dựng nghị định theo thủ tục rút gọn
Tại Chỉ thị số 06 về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngày 15/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ (Tư pháp, Công Thương, Xây dựng và các cơ quan liên quan) khẩn trương sửa đổi Nghị định số 156/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung bổ sung quy định về việc tạm sử dụng rừng để triển khai ngay các công trình xây dựng tạm phục vụ thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch- Phố Nối và các dự án truyền tải điện cấp thiết khác theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có ý kiến đồng ý xây dựng nghị định này theo quy định về trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.