Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đề xuất góp ý đề nghị sửa đổi tiêu đề và khoản 2 Điều 7 dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất tiêu chí xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ có tổng doanh thu dưới 300 tỷ đồng và mua bán tối đa 10 lần một năm. Điều kiện này không áp dụng với trường hợp bán một nhà hoặc một sản phẩm bất động sản trong năm.
Theo cơ quan soạn thảo, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có tính đặc thù nên trần doanh thu 300 tỷ đồng "phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho kinh doanh địa ốc phát triển".
HoREA đề xuất cá nhân mua bán nhà đất có tổng doanh thu dưới 100 tỷ đồng, chuyển nhượng tối đa 10 lần trong năm. Trường hợp chỉ bán một nhà ở hoặc một sản phẩm bất động sản trong một năm thì không áp dụng quy định có tổng doanh thu quy định tại khoản này. Ảnh: Ninh Phan. |
Góp ý về dự thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, khoản 2 Điều 7 dự thảo quy định đối với các trường hợp kinh doanh bất động sản "có tổng doanh thu không quá 300 tỷ đồng" là chưa có căn cứ pháp luật và cũng chưa phù hợp với thực tiễn; Đồng thời tạo ra "biệt lệ" cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chưa bảo đảm tính bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Do đó, ông Châu đề xuất cá nhân mua bán nhà đất có tổng doanh thu dưới 100 tỷ đồng, chuyển nhượng tối đa 10 lần trong năm. Trường hợp chỉ bán một nhà ở hoặc một sản phẩm bất động sản trong một năm thì không áp dụng quy định có tổng doanh thu quy định tại khoản này.
Ông Châu viện dẫn, căn cứ Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định: "Điều 6. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; lĩnh vực thương mại, dịch vụ... cũng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Do vậy, HoREA đánh giá khoản 2 Điều 7 dự thảo Nghị định chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 6 Nghị định 39 quy định doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng.
Hơn nữa theo Chủ tịch HoREA, quy định này có thể làm thất thu ngân sách. Bởi, Nhà nước đang khuyến khích các cá nhân, hộ kinh doanh (theo cơ chế nộp thuế khoán doanh thu) chuyển thành doanh nghiệp. Trường hợp cá nhân mua bán nhà đất có doanh thu dưới 300 tỷ đồng, mức nộp ngân sách là 2% giá trị hợp đồng, tương đương 6 tỷ đồng. Nếu thành lập doanh nghiệp, số thu ngân sách sẽ nhiều hơn, vì gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 7 dự thảo Nghị định chưa dự liệu trường hợp cá nhân chỉ bán 1 nhà, 1 sản phẩm bất động sản có giá trị lớn, có thể có giá lên đến 2-300 trăm tỷ đồng (hoặc có giá cao hơn), như bán 1 biệt thự hoặc 1 biệt thự du lịch hoặc 1 căn hộ penthouse siêu sang do mình sở hữu hoặc được thừa kế thì cũng cần bổ sung vào khoản 2 Điều 7 dự thảo Nghị định quy định các trường hợp này không phải thành lập doanh nghiệp mà chỉ phải nộp thuế cho Nhà nước theo quy định.