Tại văn bản trình Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương cho biết các thương nhân đang e ngại việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo mới do ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Ngoài ra, chênh lệch giá chào bán và giá cước thực tế lúc giao hàng quá lớn gây ra nhiều rủi ro.
“Nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ghi nhận tình trạng tồn kho thóc gạo của các thương nhân còn nhiều dù đã đến thời điểm bổ sung tồn kho thường kỳ. Do quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa bị gián đoạn nên tồn kho chưa được giải phóng, dòng vốn cũng bị ách tắc theo khiến các thương nhân không thể tiếp tục thu mua thóc gạo cho nông dân.
Trước tình trạng trên, theo Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần khẩn trương chỉ đạo các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực thóc, gạo nói chung và thương lái nói riêng được đi lại thu mua trực tiếp tại đồng; trao đổi và thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, áp dụng linh hoạt 2 phương án.
Thứ nhất, chấp nhận các xét nghiệm nhanh tại ấp, xã, đăng ký thông tin, lịch trình di chuyển với cơ quan quản lý Nhà nước tại ấp, xã… và áp dụng tương tự đối với lực lượng bốc xếp thóc xuống, lên ghe.
Đặc biệt, xem xét ưu tiên phân "luồng xanh" (xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm dịch trên sông) cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ đồng ruộng về hệ thống nhà máy sấy vệ tinh trong khu vực gần nhất (cùng xã, huyện) để đảm bảo chất lượng thóc tồn trữ đạt yêu cầu.
Riêng khâu vận chuyển thóc, gạo giữa các nhà máy không đặt trong cùng một tỉnh hay từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu, khu vực tiêu thụ nội địa đang có nhu cầu nhiều. Chốt kiểm dịch trên các sông lớn tại các nơi giáp ranh cần bố trí cơ sở xét nghiệm đi kèm trong phạm vi gần nhất để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm cho tài công trong vận chuyển liên tỉnh thời gian dài.
Kiến nghị về “luồng xanh” đường thủy cho vận chuyển gạo cũng từng được ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch VFA đưa ra tại buổi làm việc giữa doanh nghiệp với Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương ngày 12/8.
Cụ thể, ông Kiên cho rằng hiện nay chỉ có quy định "luồng xanh" trên đường bộ, còn đường thủy chưa rõ ràng nên mỗi địa phương áp dụng khác nhau, trong khi đó 90% lúa gạo vận chuyển bằng đường thủy. Vì thế, VFA đề nghị Chính phủ và bộ, ngành nhanh chóng tạo “luồng xanh” cho vận chuyển đường thủy và có sự thống nhất trong cả khu vực phía Nam.
Theo đó, có thể chia thành 2 khâu gồm lưu thông từ cánh đồng về nhà máy và từ nhà máy ra cảng. Lý do từ cánh đồng về nhà máy là thương nhân mua, còn từ nhà máy ra cảng là doanh nghiệp đưa hàng ra xuất khẩu.
Phương án 2, Bộ Công Thương cho rằng trường hợp thương nhân đồng ý hỗ trợ cung cấp các bộ kit xét nghiệm nhanh cho các chốt trên sông, khi ghe, sà lan của các thương nhân di chuyển qua, đề nghị nhân viên chịu trách nhiệm trực chốt tiến hành xét nghiệm nhanh và đóng dấu thông hành cho các phương tiện tranh thủ di chuyển tiếp.
Đối với phương án này, đề nghị các cấp lãnh đạo địa phương chỉ đạo linh hoạt, chỉ yêu cầu giấy xác nhận âm tính với COVID-19 khi phương tiện rời bến, bờ (điểm đầu) và suốt qua trình di chuyển trên sông được phép sử dụng giấy xác nhận xét nghiệm nhanh tại các chốt để qua chốt kế tiếp cũng như cập bến, bờ (điểm cuối) của lộ trình.
(Nguồn: Zing News)