Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM có đề xuất bổ sung xe đạp công cộng tại 7 vị trí quanh khu vực công trường Quách Thị Trang và đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM) với quy mô 10-20 xe/vị trí.
Đồng thời, phía trung tâm trên cho biết, sẽ phối hợp triển khai việc bổ sung các tuyến xe buýt điện nhằm tăng cường phục vụ giao thông công cộng, hỗ trợ phát triển du lịch tại khu vực trung tâm thành phố, sau khi Sở Giao thông Vận tải chấp thuận đề xuất. Tuyến này có đi qua khu vực đường Lê Lợi.
Cuối năm 2021, TPHCM đã triển khai dịch vụ xe đạp công cộng đầu tiên trên các tuyến đường quận 1. Có 43 trạm và 500 xe được bố trí trên vỉa hè, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên, điểm du lịch... hoạt động 24/24h.
Tháng 3/2022, tuyến xe buýt điện đầu tiên hoạt động tại TPHCM, có lộ trình từ Vinhomes Grand Park đến bến xe buýt Sài Gòn. Đây là một trong 5 tuyến được TPHCM có quyết định thí điểm. Bốn tuyến còn lại có lộ trình sẽ đưa vào khai thác vào quý 3 năm nay.
Tháng 10/2022, Sở GTVT TPHCM đã gửi lộ trình giảm dần xe buýt chạy bằng xăng, dầu để tiến tới mục tiêu 100% xe buýt tại thành phố sử dụng điện, nhiên liệu sạch từ năm 2050 tới các đơn vị liên quan.
Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2022-2030, giai đoạn 2 từ năm 2031-2050.
Trong giai đoạn 1, dự kiến 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại TPHCM đạt 25%.
Giai đoạn 2, từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.