Đề xuất chi khủng cho quốc phòng, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu tham vọng '3 nhất'

Việt Hà| 29/03/2022 10:10

Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức đề xuất ngân sách tài khóa 2023 trị giá 5,8 nghìn tỷ USD, trong đó có khoản chi 813,3 tỷ USD cho quốc phòng, an ninh quốc gia và 81,7 tỷ USD trong 5 năm để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.

Đề xuất chi khủng cho quốc phòng, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu tham vọng '3 nhất'. (Nguồn: White House)
Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất ngân sách tài khóa 2023 trị giá 5,8 nghìn tỷ USD. (Nguồn: White House)

Đề xuất của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh Mỹ muốn thúc đẩy hiện đại hóa quân đội, bao gồm tối ưu hóa hạm đội hải quân, hỗ trợ các sáng kiến hiện đại hóa quân đội và đầu tư vào phát triển năng lực tấn công tầm xa siêu thanh để tăng cường khả năng răn đe.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden nhấn mạnh, đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất cho an ninh quốc gia trong lịch sử Mỹ, với số tiền cần thiết để đảm bảo quân đội Mỹ vẫn là quân đội được chuẩn bị tốt nhất, được đào tạo tốt nhất và được trang bị tốt nhất trên thế giới.

Đồng thời, ông Biden cho biết đang kêu gọi tiếp tục đầu tư để hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và an ninh cho Ukraine.

Đề xuất 813,3 tỷ USD cao hơn 31 tỷ USD, tương đương 4%, so với mức 782 tỷ USD chi tiêu quốc phòng đã được nêu trong dự luật tài trợ 1.500 tỷ USD của chính phủ mà Tổng thống Mỹ ký hồi đầu tháng này.

Tổng thống Biden đang đề xuất khoản chi tiêu 773 tỷ USD cho Lầu Năm Góc, tăng 69 tỷ USD, tương đương 9,8% so với mức chi năm 2021.

Đề xuất ngân sách của Nhà Trắng còn bao gồm tăng lương 4,6% cho các thành viên phục vụ và lực lượng dân sự của Lầu Năm Góc. Yêu cầu này cũng nhằm đầu tư vào an ninh mạng cho bộ quốc phòng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu...

Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Biden cũng kêu gọi khoản chi 81,7 tỷ USD trong 5 năm để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.

Đề xuất nhấn mạnh, trong khi phòng chống đại dịch Covid-19, Mỹ cũng phải thúc đẩy những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và các năng lực cốt lõi để chuẩn bị đối phó với mối đe dọa sinh học tiếp theo, củng cố an ninh y tế của Mỹ và toàn cầu.

Tuy nhiên, bất kỳ khoản tài trợ mới nào nhằm chuẩn bị cho đại dịch sẽ cần có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.

Theo đề xuất trên, các nhà lập pháp đang tìm kiếm những cách mới để bù đắp cho khoảng 15 tỷ USD tài trợ cho vaccine, xét nghiệm và điều trị, vốn đã bị lược khỏi dự luật tài trợ của chính phủ vào đầu tháng này và đang bị đình trệ do chưa thống nhất về cách thanh toán.

Tổng thống Biden cũng kêu gọi 40 tỷ USD cho việc phát triển và sản xuất vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm nhằm vào các mối đe dọa trong tương lai, trong khi 28 tỷ USD khác sẽ được chuyển cho Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dch bệnh (CDC) để giám sát, thúc đẩy năng lực phòng thí nghiệm và lực lượng lao động y tế công cộng.

Viện Y tế quốc gia sẽ nhận được 12,1 tỷ USD cho nghiên cứu về vaccine và các biện pháp khác, trong khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) sẽ nhận được 1,6 tỷ USD cho các phòng thí nghiệm và công nghệ thông tin.

Ngân sách cũng kêu gọi 5 tỷ USD cho cơ quan Dự án nghiên cứu nâng cao về sức khỏe (ARPA-H) mới được thành lập, tập trung vào nghiên cứu y tế trong các lĩnh vực như ung thư, vốn là ưu tiên của Tổng thống Biden.

Trước đây, chính quyền Tổng thống Biden từng đưa ra một kế hoạch chi 65 tỷ USD vào mùa Thu 2021 để chuẩn bị cho đại dịch trong vòng 7 đến 10 năm nhưng không được Quốc hội Mỹ chấp thuận.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất chi khủng cho quốc phòng, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu tham vọng '3 nhất'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO