Đề xuất cấm người trong một gia đình đấu giá cùng một tài sản

Hoài Thu| 08/08/2023 15:42

Để tránh thông đồng, dìm giá, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản bổ sung quy định các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá cùng một tài sản.

Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.

So với luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi bổ sung nhiều quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản cũng như trách nhiệm của người có tài sản đấu giá và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Theo phương án Chính phủ trình lên, dự thảo luật lần này bổ sung quy định "nghiêm cấm đấu giá viên để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi".

Việc một người đã tham gia đấu giá nhưng nhận ủy quyền tham gia đấu giá cho người khác cũng bị nghiêm cấm.

Đề xuất cấm người trong một gia đình đấu giá cùng một tài sản - 1

Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động doanh nghiệp khác...

"Điều này để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người này khi tham gia đấu giá", theo quan điểm Chính phủ.

Cũng theo quy định trong dự thảo luật, tài sản là quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và các tài sản khác… sẽ không được áp dụng đấu giá theo thủ tục rút gọn. Đây là một quy định mới trong dự thảo luật.

Đánh giá sau 5 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản, Chính phủ nhìn nhận tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp.

Một số tổ chức đấu giá chưa tuân thủ nghiêm túc trình tự, thủ tục đấu giá, còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động đấu giá.

Bên cạnh đó, Chính phủ cho biết còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản.

Một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức "sân sau" để đấu giá.

Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá.

Theo đó, người có tài sản có quyền quyết định áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá; tạm dừng tổ chức đấu giá, hủy bỏ việc tổ chức đấu giá với tài sản thi hành án dân sự khi có quyết định hoãn, tạm đình chỉ, tạm dừng thi hành án, tài sản đấu giá không đủ điều kiện…

Người có tài sản chịu trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm, việc giảm giá khởi điểm, đồng thời có nghĩa vụ báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, tham dự cuộc đấu giá, diễn biến cuộc đấu giá và kết quả đấu giá.

Ngoài ra người có tài sản phải bảo mật tài liệu, thông tin liên quan trong quá trình lựa chọn tổ chức đấu giá; thông tin của người tham gia đấu giá trong quá trình thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá cho đến khi kết thúc cuộc đấu giá.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra cuối tháng 10 tới.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất cấm người trong một gia đình đấu giá cùng một tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO