Trong rất nhiều nguyên nhân khiến môn Lịch sử ở các trường học được ít học sinh yêu thích thì cách dạy của giáo viên hiện nay cũng góp một phần không nhỏ.
Với không ít học sinh, những giờ học Lịch sử đã khiến các em chán ngán và mệt mỏi. Nhiều bài lịch sử khá hay, nội dung kiến thức phong phú nhưng qua cách dạy của một số thầy cô giáo lại khiến các em không còn một chút hứng thú gì.
Vào tiết dạy, giáo viên kiểm tra bài cũ mà dò từng câu, từng chữ trong vở viết, trong sách giáo khoa xem học sinh trả lời có thiếu sót không mới cho điểm...vô tình khiến học sinh áp lực và chán ghét môn Sử.
Để khắc phục những nguyên nhân khiến mô Lịch Sử trở nên khô khan với học sinh, nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động đổi mới phương pháp dạy và học theo phương pháp trực quan và sinh động hơn như cho học sinh tham gia các tiết học trải nghiệm, giao lưu cùng anh hùng lịch sử hay đã đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy môn lịch sử; sử dụng sơ đồ, lược đồ, sa bàn… để tái hiện các sự kiện, diễn biến lịch sử.
Mới đây, Trường Phổ Thông IVS (Hà Nội) đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Giao lưu cùng anh hùng vũ trụ Phạm Tuân và nhà thơ Hồng Thanh Quang”.
Tại buổi giao lưu, các em học sinh đã được lắng nghe những câu chuyện thực tế sinh động về giai đoạn lịch sử oai hùng từ nhân chứng lịch sử là Trung tướng Phạm Tuân - lái máy bay MiG-21 bắn hạ máy bay B-52, trở về hạ cánh an toàn.
Cũng thông qua buổi giao lưu, học sinh được mở rộng hiểu biết về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và tìm hiểu về công việc của một phi công chiến đấu.
Những câu chuyện thú vị khi chinh phục bầu trời và vũ trụ, cùng những lời khuyên giá trị dành cho các bạn trẻ cũng được phi hành gia đầu tiên của Châu Á bay lên vũ trụ chia sẻ tại buổi giao lưu.
Phi công Phạm Tuân kể lại cho học sinh trường Phổ thông IVS về thời khắc lịch sử bắn rơi máy bay B-52: “Máy bay B-52 có chiều ngang 56m, chiều dài sải cánh 60m, trọng lượng 200 tấn và có thể chở 30 tấn bom. Nếu đi 3 chiếc thì mấy cây số vuông cũng bị san bằng. Điểm nguy hiểm là B-52 chỉ bay vào ban đêm để phi công ta không nhìn thấy và trên máy bay có tới 20 thiết bị gây nhiễu sóng. Ngoài ra, còn có hàng chục chiếc máy bay khác yểm hộ. Thế nhưng, không chỉ có Mỹ mà cả thế giới đều không hiểu vì sao Mỹ mang sang 200 máy bay sang Việt Nam nhưng bị bắn rơi tới 81 chiếc, trong đó có 34 máy bay B-52.
Trước đó, tôi được lệnh cất cánh qua Hòa Lạc, Ninh Bình thì gặp máy bay địch ở Hòa Bình. Vòng mấy vòng không bắn được, máy bay tôi hết dầu nên phải quay về sân bay Nội Bài. Trong điều kiện đèn không có, đường băng bị đánh bom, máy bay của tôi hạ cánh vào hố bom lật ngửa trên đường băng với tốc độ 280km/h. Tôi đập cửa buồng lái chui ra.
Ngày 27/12, tôi được lệnh cất cánh bay ở sân bay Yên Bái, ra Sơn La, Hòa Bình. Tôi gặp B52 ở vùng Sơn La. Tôi phóng 2 quả tên lửa, một chiếc B-52 cháy bùng. Tôi quay về hạ cánh, đó là chiến công đầu tiên. Phải nói đây là trận chiến tuyệt vời. Chúng ta chiến thắng nhờ Đảng và Bác Hồ nhìn nhận đầy đủ và chính xác rằng chỉ khi chúng ta thắng ở Hà Nội thì Mỹ mới thua. Bác dặn, dù là B-52 hay gì đi chăng nữa cũng phải giành chiến thắng. Chính tài dự đoán này nên lực lượng chúng ta chuẩn bị từ sớm".
Đổi mới phương pháp dạy môn Sử
Theo cô Nghiêm Thị Nguyệt Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông IVS thì làm cho học sinh yêu thích môn học là cách tốt nhất để nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử trong cơ sở giáo dục và để làm được điều đó thì giáo viên có vai trò quan trọng quyết định khi thực hiện đổi mới phương pháp, giúp giờ học trở nên hấp dẫn.
Cô Nghiêm Thị Nguyệt Anh cho hay: “Dạy học Lịch sử ở trường phổ thông cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử theo tinh thần: phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của học sinh, bồi dưỡng cho học sinh năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên
Một trong những giải pháp hiệu quả được trường Phổ thông IVS áp dụng đó là khai thác, sử dụng tài liệu một cách phù hợp trong những giờ dạy, mời nhân vật lịch sử đến giao lưu, trò chuyện cùng học sinh giúp bài học không khô khan mà ngược lại học sinh vô cùng hào hứng khi được đặt câu hỏi, giao lưu với chuyên gia.
Từ đó giúp cho không khí lớp học trở nên sôi nổi, vui vẻ và thoải mái. Học sinh chủ động, tự giác học tập”.