Trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - người Việt Nam hai lần là thành viên Uỷ ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc (hiện đang đảm nhận nhiệm kỳ 2023-2027). Ông là nhà ngoại giao và chuyên gia pháp lý kỳ cựu của Việt Nam.
Ngày 14/6/2024, Phái đoàn thường trực Cộng hòa Philippines tại New York đã gửi Uỷ ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) bản đệ trình một phần về các thông tin liên quan đến ranh giới ngoài của thềm lục địa của nước này mở rộng bên ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.
Bản đồ các đường yêu sách ranh giới ngoài thềm lục địa tại Biển Đông. Ảnh: Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, 17/6/2024 Đệ trình này được coi là phù hợp với Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS) và áp dụng cho phần biển khu vực West Palawan Region (WPR). Đệ trình này đúng vào ngày cuối cùng của khoá họp lần thứ 34 của Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước luật biển, kỷ niệm 30 năm UNCLOS có hiệu lực.
UNCLOS quy định thời hạn cuối cùng để đệ trình thông tin về ranh giới ngoài thềm lục địa lên CLCS là ngày 13/5/2009. Tại Biển Đông, Indonesia là nước đầu tiên trình ranh giới ngoài thềm lục địa tại khu vực Tây Bắc đảo Sumatra Island vào ngày 16/6/2008. Việt Nam trình một phần ở khu vực Bắc Biển Đông (VN-N) ngày 6/5/2009. Hồ sơ chung Malaysia-Việt Nam ngày 7/5/2009 và đệ trình một phần của Malaysia ngày 12/12/2019.
Philippines trình hồ sơ riêng về ranh giới ngoài thềm lục địa bên ngoài Biển Đông tại khu vực Rãnh Benham (Benham Rise Region) ngày 8/4/2009 và đệ trình này đã được CLCS đưa ra các kiến nghị ủng hộ ngày 12/4/2012.
Là thành viên UNCLOS, Philippines có quyền áp dụng điều 76 của Công ước và Phụ lục I Các quy tắc thủ tục của CLCS (CLCS/40, Rev. 1) đối với thềm lục địa mở rộng nếu các cấu trúc địa lý và địa chất của thềm đáp ứng được các yêu cầu pháp lý. Philippines có quyền đưa ra các đệ trình mới vì họ đã thông báo các thông tin ban đầu trước thời hạn.
Tại sao Philippines trình thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông sau 15 năm của thời hạn cuối cùng? Câu trả lời chỉ có thể từ Chính quyền Philippines dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Jr. Marcos đang chuyển dịch chính sách theo hướng quyết liệt và minh bạch hơn ở Biển Đông. Đệ trình của Philippines vào thời điểm này có thể có một số tính toán.
Trước hết, chính quyền Tổng thống Marcos muốn khẳng định giá trị của Phán quyết Tòa trọng tài ngày 12/6/2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết này tạo khả năng cho phép mở rộng thềm lục địa từ các đảo chính của Philippines trong khi làm rõ mỗi thực thể biển ở quần đảo Trường Sa chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý.
Thứ hai, đệ trình có thể nhằm bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.
Thứ ba, Manila có thể muốn khẳng định tính pháp lý của đường cơ sở quần đảo Philippines năm 2012, đường này đã được sửa đổi cho phù hợp hơn với UNCLOS khi tách biệt yêu sách khu vực “Đất tự do” (Kalayaan Area) khỏi phạm vi quần đảo.
Thứ tư, nó tạo điều kiện kích hoạt điều 5 của Hiệp ước phòng thủ chung Phi-Mỹ 1951 mà Mỹ có trách nhiệm bảo vệ các lực lượng vũ trang Philippines, các tàu và máy bay công vụ (bao gồm cả lực lượng cảnh sát biển) khỏi các cuộc tấn công vũ trang trong Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 19/6/2024 đã nói với người đồng cấp Philippines Enrique A. Manalo về các hành động của phía Trung Quốc chống lại Philippines ở Biển Đông “đã làm ảnh hưởng đến hoà bình và an ninh khu vực và tác động tới lợi ích của Mỹ”.
Thứ năm, đệ trình có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) đang bế tắc.
Cuối cùng và cũng không phải là hết, hành động này có thể tranh thủ sự hiện diện của thành viên Philippines trong CLCS. Mr. Efren Perez Carandang, thành viên của Uỷ ban nhiệm kỳ 2023-2028, tên ông có trong danh sách cám ơn đã đưa ra các khuyến nghị trong quá trình chuẩn bị đệ trình.
Những thách thức với đệ trình của Philippines
Đệ trình của Philippines có thể gặp một số thách thức. Thứ nhất, các điều kiện địa chất đáy biển của quốc gia quần đảo không thích hợp cho việc mở rộng bên ngoài lãnh hải “sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền ra biển cho tới rìa ngoài của thềm lục địa” do sự xuất hiện của máng sâu Palawan Trench, tạo ra đứt gãy.
Đây có thể là lý do vì sao Philippines lựa chọn sử dụng phương pháp vòng cung không vượt quá 60 hải lý tính từ chân dốc thềm lục địa (FOS) theo điều 76 mục 4, thay cho phương pháp xác định ranh giới ngoài dựa trên bề dày trầm tích. Chính đệ trình đã công nhận không sử dụng công thức trên do các dữ liệu về bề dày trầm tích không đủ trong khu vực West Palawan Region (WPR).
Thứ hai, phần phía Nam của đệ trình mở rộng từ Sabah, vùng đất tranh chấp chủ quyền với Malaysia và do đó chồng lấn hồ sơ chung Việt Nam-Malaysia về ranh giới ngoài thềm lục địa 2009.
Thứ ba, đệ trình có thể chồng lấn với đệ trình riêng của Việt Nam ở khu vực miền Trung, nơi Việt Nam đã từng tuyên bố bảo lưu quyền chủ quyền của mình khi phản đối tuyên bố mở rộng thềm lục địa của Malaysia tháng 12/2019.
Thứ tư, tranh chấp chủ quyền các thực thể trong quần đảo Trường Sa vẫn tồn tại sẽ làm nảy sinh tiếp vấn đề phân định biển của các vùng đáy biển thuộc lãnh hải của các thực thể này với yêu sách thềm lục địa mở rộng của Philippines.
Thứ năm, kết hợp các yêu sách đơn phương thềm lục địa mở rộng với phán quyết 2016 về các thực thể tại quần đảo Trường Sa chỉ nên có 12 hải lý lãnh hải, Biển Đông có thể có vùng Biển cả nhưng sẽ không có Vùng đáy biển di sản chung của loài người. Hoàn cảnh này sẽ làm nảy sinh các thách thức trong việc áp dụng chế độ quản lý biển thích hợp do các vùng biển có quy chế pháp lý khác nhau.
Điểm sáng trong đệ trình của Philippines là họ thừa nhận sự tồn tại của các đệ trình đã có trước kia của Việt Nam và Malaysia hơn là bác bỏ chúng và thể hiện mong muốn được thảo luận phân định biển với các nước liên quan. Đệ trình không nêu tên Trung Quốc cho đàm phán thềm lục địa.
Phản ứng của các nước có thể quyết liệt. Malaysia sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền của họ với Sabah. Tại công hàm ngày 27/6 mới đây, Malaysia nhắc lại: “Bang Sabah là và luôn luôn là một phần không thể tách rời của Malaysia và đã được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế công nhận như một phần của Malaysia, kể từ ngày thành lập Liên bang Malaysia ngày 16/9/1963. Cộng hoà Philippines yêu sách chủ quyền trên Sabah là không phù hợp với nghĩa vụ erga omnes của họ công nhận và ủng hộ việc thực hiện hợp pháp quyền dân tộc tự quyết của người dân Sabah năm 1963. Vì vậy, rõ ràng yêu sách của CH Philippines với Sabah là không có bất kỳ cơ sở gì theo luật quốc tế”. (Hiểu theo nghĩa thông thường, một quy phạm có tính chất erga omnes là một quy phạm có giá trị pháp lý đối với tất cả chủ thể của luật quốc tế, bao gồm quốc gia và tổ chức quốc tế liên chính phủ).
Trung Quốc có đệ trình các thông tin khảo sát ban đầu về ranh giới ngoài thềm lục địa của họ tại Biển Hoa Đông lên CLCS ngày 11/5/2009. Tuy nhiên, tại Biển Đông, Trung Quốc chưa thể hiện gì về yêu sách thềm lục địa mở rộng. Lập trường này có thể giải thích do các yêu sách thái quá đường chín đoạn và Nam Hải chư đảo của họ đã bao phủ hầu như toàn bộ vùng nước và đáy biển Biển Đông.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc 21555 và 21551 phun vòi rồng vào tàu tiếp tế Unaizah May 4 (UM4) của Philippines ở Biển Đông hôm 5/3. Ảnh chụp màn hình/Lực lượng tuần duyên PhilippinesNgày 17/6/2024, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc cảnh báo “đệ trình đơn phương của Philippines về mở rộng thềm lục địa của họ tại Biển Đông xâm phạm tới các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, vi phạm luật quốc tế, bao gồm cả Công ước Luật biển và đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”.
Cùng ngày, va chạm đã xảy ra giữa tàu tiếp tế Philippines và tàu hải cảnh Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây. Ngày hôm sau, Trung Quốc gửi công hàm khẳng định chủ quyền không tranh cãi tại Nam Hải Chư Đảo và các vùng nước tiếp giáp và họ có các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước và đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng.
Ngày 20/6/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố, Việt Nam sẽ bảo lưu mọi quyền và lợi ích của mình theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, và thể hiện sự sẵn sàng thảo luận với Philippines để tìm ra và đạt được một giải pháp phù hợp với lợi ích hai nước.
Vì các lý do trên, đệ trình của Philippines có thể coi như tín hiệu bắt đầu của vòng ba cuộc chiến công hàm mà vòng 1 và vòng 2 đã từng xảy ra vào các năm 2009 và 2019. Các ranh giới biển, bao gồm cả các ranh giới ngoài của thềm lục địa chồng lấn nơi các bờ biển đối diện nhau không quá 700 hải lý cần phải được các nước hữu quan thoả thuận và không phải thuộc thẩm quyền của CLCS.
Trong tương lai gần, Philippines nên xem xét rút lại các phản đối của họ đối với hồ sơ chung Việt Nam - Malaysia và đàm phán với các nước này để tìm một giải pháp có thể chấp nhận.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao Tối 20/6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Philippines đệ trình Báo cáo Ranh giới ngoài thềm lục địa ở Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: Các quốc gia ven biển thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có quyền xác định ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng của mình trên cơ sở phù hợp với các quy định liên quan của UNCLOS 1982". Tuy nhiên, quốc gia ven biển khi đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa cần tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia ven biển liên quan khác có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền. Theo đó, Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước.