Để trẻ tôn trọng mình và người khác

03/11/2022 18:10

Cha mẹ là tấm gương cho con trẻ. Nếu muốn con học cách tôn trọng bản thân mình và người khác, trước mắt cha mẹ cần tôn trọng trẻ, sống mẫu mực, làm gương để trẻ noi theo.

Tôn trọng trẻ thay vì áp đặt

Một trong những sai lầm mà các bậc cha mẹ hay mắc phải, đó là bắt con mình phải theo sự sắp đặt của mình mà không tôn trọng các con, cho các con quyền tự quyết, tự chọn theo ý muốn và niềm đam mê của mình. Câu chuyện của mẹ con chị Bảo Hà (Q. Gò Vấp, TP. HCM) dưới đây là một ví dụ. Chỉ vì đôi giày mà hai mẹ con chị gây ầm ĩ cả một khu mua sắm khiến nhiều người ái ngại.

day-tre1-9773-1522912165_680x0.jpg
Tôn trọng ý kiến của trẻ là cách để trẻ ý thức giá trị bản thân mình.

Chị Hà muốn mua cho con đôi giày sneaker màu xanh đen vì theo chị bé tiện mang đi học thể dục lại tiện cả đi chơi. Màu này cũng sạch hơn màu trắng, không dễ dơ vì con chị tính rất cẩu thả, không đi màu trắng được. Thế nhưng bé Hà An, 7 tuổi, con gái chị thì lại kiên quyết thích một đôi búp bê màu trắng đính nơ vì “con thích giày công chúa”. Chị đứng phân tích thiệt hơn một hồi cho con nhưng bé kiên quyết không chịu. Bực mình, bà mẹ trẻ dang tay tát mạnh cú tát trời giáng khiến bé con chị khóc thét lên. Nhân viên cửa hàng phải lại dỗ dành cô bé nín khóc. Mấy cha mẹ khác đang mua sắm ở gần phải lại khuyên chị nên để con chọn đôi bé thích. Chị phân bua giãi bày chán chê, kể lể tính xấu của con: nào ở bẩn, đòi hỏi, hư đốn… mặc cho bé khóc thút thít. Đến lúc tính tiền, cửa hàng có áp dụng quay số may mắn cho hóa đơn mua hàng. Con bé háo hức tham gia thì mẹ nó buông câu khiến mọi người ngạc nhiên: “Cái tính xấu như này thì đi đâu cũng đen lắm, có quay cũng chả trúng!”. Có bà mẹ đứng kế bên tế nhị góp ý: “chị đừng nên làm mất giá trị con như vậy. Mẹ không tôn trọng bé thì sao bé biết tôn trọng mình. Chị nói vậy bé nó sẽ nghĩ số nó đen đủi, vận vào cả đời nó đấy!”.

Nhiều ông bố bà mẹ trói buộc quan niệm đứa trẻ ngoan là con phải đáp ứng vâng lời cha mẹ, “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Khi trẻ tự do theo sở thích cá nhân, trái ý cha mẹ, nhiều người liền nhanh chóng áp đặt con để buộc trẻ phải nghe theo. Những lời mắng nhiếc vô tình khiến con thấy bản thân mình không được tôn trọng. Trẻ tự nhận thấy những yêu cầu, sở thích của mình không được đáp ứng, cha mẹ không tôn trọng mình, mình không xứng đáng để được cha mẹ đồng ý. Những đánh giá ban đầu về bản thân được hình thành như thế. Quá trình này lớn dần theo năm tháng, hình thành suy nghĩ tự ti, đánh giá thấp chính mình ở trẻ. Trẻ lệ thuộc vào cái nhìn của người khác, không dám tôn trọng chính mình. Đây là một thiệt thòi cho trẻ.

Cha mẹ là tấm gương cho trẻ

Những hành động tôn trọng bản thân trẻ và tôn trọng người khác của cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày chính là một thông điệp hoàn hảo giúp con cái học được cách đánh giá cao những khác biệt giữa mỗi người.

cute_kids_cute_play-wide.jpg
Dạy trẻ tôn trọng những khác biệt giữa mỗi người.
  •  Hãy thể hiện những hành vi biết tôn trọng trẻ:

Hãy phân biệt giữa tôn trọng và sợ hãi và hãy bắt đầu bằng việc lắng nghe. Có thể rất khó khăn để kiên nhẫn chờ đợi đứa con hai tuổi của mình nói hết, nhưng nên làm như vậy. Cúi xuống ngang tầm người của con, nhìn vào mắt con, và cho bé biết bạn đang chăm chú nghe những gì bé nói. Đó là cách tốt nhất để dạy con biết chú ý lắng nghe khi bạn nói.

  • Dạy con biết cách phản ứng lịch sự:

Con bạn có thể thể hiện sự quan tâm và tôn trọng người khác thông qua những hành động đẹp. Ngay khi biết nghe, nói, bé có thể học cách nói "làm ơn", và "cảm ơn". Giải thích với con rằng bạn sẽ sẵn sàng giúp bé khi bé lịch sự với bạn, và rằng bạn không thích bé cứ ra lệnh cho bạn như thế. Và khi bạn tỏ ra biết tôn trọng con, như vậy sẽ có tác dụng tốt hơn là giảng giải. Hãy thường xuyên nói "làm ơn", "cảm ơn" với con và những người khác, bé sẽ hiểu rằng những cụm từ đó là một phần của giao tiếp bình thường, cả trong gia đình và ngoài xã hội.

  • Tránh phản ứng quá mức:

Nếu con bạn đánh bạn, hoặc gọi bạn là đồ dở hơi, cố gắng đừng quá buồn (thật ra thì bạn đâu có dở hơi). Đứa trẻ nào muốn khiêu khích thường sẽ sẵn sàng chịu đựng mọi điều để có thể có được điều nó muốn. Vì thế, hãy nhìn thẳng vào con và nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết với con rằng, "Chúng ta không đánh nhau, hay nói chuyện kiểu đó trong gia đình mình." Sau đó, hãy chỉ cho con cách có được thứ mình muốn một cách biết tôn trọng người khác: "Khi con muốn mẹ chơi với con, hãy nói với mẹ thật nhẹ nhàng. Hãy nói, "Mẹ ơi, con muốn mẹ đến đọc chuyện cho con nghe".

  • Hãy chuẩn bị cho sự bất đồng:

Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu trẻ luôn luôn vui vẻ nghe lời sai bảo của chúng ta, nhưng như thế thì không phải con người. Hãy cố gắng nhớ rằng, khi con không nghe lời, đó không phải là bé không tôn trọng bạn - đó chỉ là vì con có ý kiến khác mà thôi. Dạy con rằng con sẽ trở nên tốt hơn nếu con học cách dừng những phản ứng thiếu tôn trọng người khác.

  • Đặt ra những giới hạn:

"Một trong những cách tốt nhất để giải thích về sự kính trọng là phải tỏ ra tử tế và cương quyết trong kỉ luật," chuyên gia giáo dục và đồng tác giả của cuốn Kỉ luật tích cực cho trẻ mẫu giáo, Jane Nelsen nói. "Tử tế cho con bạn biết rằng bé được tôn trọng, trong khi cương quyết thể hiện sự tôn trọng đối với những gì cần làm."

  • Khen ngợi những hành vi biết tôn trọng:

Hãy khuyến khích các biểu hiện lịch sự bột phát càng nhiều càng tốt. Nhưng phải cụ thể. Lời khen nên miêu tả hành vi một cách chi tiết. Hãy nói, "Cảm ơn con vì đã chờ đến lượt trong khi các bạn khác lấy kem." Hãy nói thật rõ ràng, chi tiết, để con bạn biết rằng nỗ lực của mình đáng giá và được đánh giá cao.

Bài liên quan
  • Dạy con chọn bạn mà chơi
    Thực tế hiện nay không thiếu trường hợp trẻ vị thành niên bị bạn xẩu rủ rê lôi kéo vào những thói hư tật xấu – thậm chí cả hành vi phạm pháp. Dạy trẻ cách chọn bạn mà chơi ngay khi trẻ còn nhỏ là trách nhiệm của cha mẹ trong việc giúp con tự bảo vệ mình.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Để trẻ tôn trọng mình và người khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO