Trong bối cảnh tỷ lệ các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học vẫn rất cao, nhiều trường kiến nghị năm 2022 Bộ GD&ĐT cần xem xét tăng độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT để hỗ trợ các trường xét tuyển bằng kết quả thi này.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, năm nay trường xác định sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là cách thức chính để xét tuyển (chiếm khoảng hơn 50% tổng chỉ tiêu).
"Đại học Y Hà Nội mong Bộ GD&ĐT tiếp tục thể hiện vai trò chỉ đạo trong khâu tổ chức và ra đề thi. Đây là hai khâu quyết định kết quả thi có đảm bảo độ tin cậy và phân loại thí sinh được không để giúp các trường yên tâm sử dụng kết quả thi vào tuyển sinh", ông Tú nói.
Với tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn ở mức cao, chiếm đến 57,26%, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y dược TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường có thể đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đặc biệt, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tự tổ chức các kỳ thi riêng càng khó khăn và áp lực cho chính các trường và thí sinh. Hiện nay, tỷ lệ các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn.
Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 Bộ GD-ĐT cần ra đề thi theo hướng tăng tính phân hóa để các trường có đầu vào cao như khối ngành y dược vẫn có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
Nhiều trường đề nghị tăng độ phân hóa trong đề thi tốt nghiệp. |
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, từ thực tế đã tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy thì tổ chức một kỳ thi riêng đối với một trường ĐH rất phức tạp. Nếu tổ chức thi riêng để xét tuyển cho riêng trường ĐH đó thì rất ít thí sinh tham gia do quyền lợi bị hạn chế, còn tổ chức kỳ thi riêng có nhiều trường tham gia thì rất vất vả vì phải tuân theo các nguyên tắc cơ quan Bộ GD&ĐT đưa ra. Công tác tổ chức thi phức tạp nên áp lực rất lớn.
Vậy nên cộng đồng các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy chỉ dành 10% chỉ tiêu cho phương thức này. Riêng trường ĐH Bách khoa Hà Nội do đã áp dụng những năm trước nên chỉ tiêu nhiều hơn.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay: “Tất cả chúng ta đều mong muốn có một kỳ thi có sự phân hóa, dù kỳ thi đó có phục vụ cho xét tuyển đại học hay không. Từ trước tới nay, các trường đều đề nghị Bộ ra đề sao cho có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT là căn cứ quan trọng để xét tuyển. Qua các năm có thể thấy tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp vẫn rất cao trên 50%. Năm 2022, Bộ cũng sẽ nỗ lực cao nhất trong điều kiện có thể để có đề thi chất lượng tốt nhất”.
Năm 2022, Bộ GD-ĐT đã quyết định lùi kỳ thi tốt nghiệp THPT sang tháng 7.
Hoàng Thanh