Để nhân lực công nghệ số Việt sẵn sàng làm việc toàn cầu

03/08/2024 13:15

Thế giới đang “khát” nhân lực công nghệ số chất lượng cao. Cần làm gì để tiềm năng sẵn sàng làm việc toàn cầu của nhân lực công nghệ số Việt Nam trở thành năng lực thực sự?

Kỳ vọng Việt Nam trở thành “mắt xích” trong chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu

“Khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ Việt Nam được lợi mà thế giới cũng đang rất cần Việt Nam. Tại Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi thường xuyên tiếp các đoàn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Canada… đến làm việc. Những quốc gia này đều đang “khát” nhân lực công nghệ số”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông phản ánh hiện trạng tại một hội thảo về thu hút đầu tư công nghệ số vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Tuyên dẫn chứng Nhật Bản: Chủ tịch tỉnh Kanagawa (tỉnh có thủ phủ là Yokohama) từng chia sẻ mong muốn các doanh nghiệp IT (công nghệ thông tin) Việt Nam đến Kanagawa đặt trụ sở và giúp làm chuyển đổi số. Hồi đầu tháng 6 vừa qua, trong một hội thảo của thành phố Fukuoka, lãnh đạo thành phố cũng cho biết luôn mở rộng cửa đón doanh nghiệp IT Việt sang đặt trụ sở bởi vùng kinh tế lớn thứ 4 Nhật Bản này đang rất thiếu người.

“Và mới đây, tôi tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Công nghiệp IT Hoa Kỳ. Vị Chủ tịch bày tỏ mong muốn Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu về các lĩnh vực như bán dẫn, AI (trí tuệ nhân tạo)…, vì các bạn trẻ ở Mỹ bây giờ muốn học những ngành liên quan kinh tế học, xã hội học… hơn là IT”, Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Tuyên kể thêm.

Nhan luc IT 2.jpg
Theo Báo cáo thị trường IT Topdev năm 2023, Việt Nam xếp hạng 28 toàn cầu về kỹ năng của Developer (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Nhiều số liệu thống kê cho thấy kỳ vọng Việt Nam trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng nhân lực công nghệ số toàn cầu hoàn toàn có cơ sở, bởi nhân lực công nghệ Việt đã xác lập vị trí nhất định trên các bảng xếp hạng toàn cầu.

Theo Báo cáo thị trường IT Topdev năm 2023, Việt Nam xếp hạng 28 toàn cầu về kỹ năng của Developer (nhà phát triển), hạng 2 khu vực châu Á – Thái Bình Dương về kỹ năng kỹ thuật.

Khảo sát của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho hay, Việt Nam đứng thứ 10 toàn cầu về đào tạo kỹ sư, sau Nga, Mỹ, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Ukraine, Mexico và Pháp.

Những "khoảng trống" cần lấp

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia của Intel Việt Nam đánh giá cao tiềm năng rất lớn về nguồn nhân lực công nghệ số tại Việt Nam: Nền dân số có số lượng lớn, dân số trẻ, nhanh chóng tiếp nhận công nghệ mới và học được cách làm việc, sáng tạo trong môi trường công nghệ.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm gì cả thì sẽ chỉ dừng lại ở tiềm năng. Cùng với việc quảng bá tiềm năng nguồn nhân lực của mình ra toàn cầu, Việt Nam cần biến tiềm năng đó thành năng lực thực sự, thành giá trị thực tế”, ông Thắng khuyến nghị.

Nội hàm của khái niệm “năng lực thực sự” không chỉ dừng ở năng lực chuyên sâu vào một lĩnh vực nhất định, mà còn phải đáp ứng đa dạng góc độ chuẩn mực về kiến thức, bằng cấp, sản phẩm thực hành… có thể sử dụng được trên phạm vi toàn cầu.

Thế nhưng tại Việt Nam hiện giờ đang thiếu môi trường rèn luyện những nội dung đó cho cả sinh viên đang học, sinh viên vừa tốt nghiệp, và thậm chí cả những người đã đi làm.

“Nếu nói về năng lực cần phải có của kỹ sư, chẳng hạn kỹ sư bán dẫn, kỹ sư điện tử, chúng ta cần phải xem lại các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề... Những kỹ năng này chủ yếu được trau dồi tại nơi làm việc. Trước khi làm việc thì sao? Đây là câu hỏi mở đối với các trường đại học”, ông Thắng để ngỏ vấn đề.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT chỉ ra một điểm yếu khác của nhân lực công nghệ số Việt, đó là khả năng kiến tạo.

“Nhiều nhà phát triển của chúng ta có kỹ năng phát triển tốt, có thể làm rất tốt 1 góc sản phẩm, nhưng để tạo ra 1 sản phẩm lớn thì còn hạn chế. Hệ thống giáo dục Việt Nam nên hoàn thiện điều này. Người Pháp có thể thiết kế ra được máy bay Boeing 747 với 5 triệu bộ phận khác nhau. Hoặc nhiều kiến trúc khổng lồ được kiến tạo bởi một số dân tộc rất giỏi. Mình không thể cạnh tranh được với họ nhưng ít ra mình cũng phải có những kiến thức đủ để kiến tạo ra những phần mềm đáp ứng được số lượng người dùng lên đến hàng triệu”, ông Tuấn nhận định.

Liên quan câu chuyện đào tạo nhân lực công nghệ số Việt Nam, Tiến sĩ Lê Quân, Đại học Fulbright Việt Nam cho hay: Fullbright có một nhóm nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn. Ở Việt Nam hiện chưa có chuyên ngành bán dẫn. Nhân lực học chuyên ngành điện tử ra trường học thêm một chút kiến thức về thiết kế bán dẫn thì có thể đi làm thiết kế bán dẫn; học ngành khoa học vật liệu ra, học thêm một chút kiến thức về sản xuất trong nhà máy thì sẽ tham gia được dây chuyền sản xuất trong nhà máy; học tự động hóa thì có thể tham gia hầu như tất cả quá trình của các nhà máy sản xuất hoặc cơ sở đóng gói, kiểm thử ở Việt Nam.

“Khi chúng tôi trao đổi thông tin với các trường đại học, so sánh chương trình đang dạy thì thấy một "khoảng trống" của chương trình đào tạo. Hầu hết sinh viên ra trường sau 4 năm học khi vào doanh nghiệp làm việc vẫn phải đào tạo thêm. Trường nào sinh viên được làm nhiều dự án sát với thực tế doanh nghiệp thì thời gian đào tạo thêm sẽ ngắn, trường nào học nhiều lý thuyết thì sẽ lâu hơn”, ông Quân quan ngại.

Tham khảo lại số liệu thống kê trong Báo cáo thị trường IT Topdev năm 2023: Chỉ 30% sinh viên IT sau khi tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; 70% cần 3 - 6 tháng để được đào tạo, làm quen với công việc và môi trường làm việc.

Có thể thấy, vẫn còn không ít thách thức cần giải quyết để nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu cho nhân lực công nghệ số Việt Nam.

Nhan luc IT 3.jpg
Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để biến tiềm năng sẵn sàng làm việc toàn cầu của nhân lực công nghệ số Việt Nam trở thành năng lực thực sự (Ảnh: Lê Anh Dũng).

Tìm cách biến tiềm năng thành năng lực thực sự

Muốn biến tiềm năng sẵn sàng làm việc toàn cầu của nhân lực công nghệ số Việt Nam thành năng lực thực sự, một giải pháp nên tính tới là chủ động đi tìm môi trường làm việc tại những doanh nghiệp toàn cầu.

“Giờ đây, năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia chắc chắn phải được tính bằng mức talent (tài năng) chứ không phải mức nhân lực cơ bản phổ cập. Talent ở đây hiểu theo các góc độ: Đáp ứng yêu cầu thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính toàn cầu; Đáp ứng được năng lực chiều sâu của ngành công nghiệp cụ thể. Các doanh nghiệp toàn cầu sẽ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu hút và bồi dưỡng những nguồn lực tài năng tại Việt Nam có khả năng đi sâu vào các ngành công nghiệp”, Giám đốc Quốc gia của Intel Việt Nam nhận định.

Intel là một ví dụ. Số lượng nhân lực tại Việt Nam của Intel chỉ khoảng 4.000 – 6.000 người, một con số khá “khiêm tốn”, song những nhân sự này được đào tạo trong môi trường làm việc thực tế, được chạm vào những hệ thống dây chuyền sản xuất tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Với những công nghệ mới như AI, bán dẫn, Intel cũng có 1 số chương trình hỗ trợ hệ thống giáo dục - đào tạo tại Việt Nam xây dựng năng lực cần thiết cho nguồn nhân lực. Mới đây, Intel Việt Nam vừa khởi động hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo một chương trình liên quan tới AI.

Đặc biệt, ông Thắng đánh giá cao mục tiêu đào tạo ra khoảng 50.000 kỹ sư trong ngành bán dẫn từ nay đến năm 2030 với tổng ngân sách đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực lên tới 26.000 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt, cùng nhiều chiến lược rất mạnh mẽ thúc đẩy ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Theo ông Thắng, độ mở của nền kinh tế Việt Nam đối với xu hướng phát triển toàn cầu ngày càng rộng. Việt Nam trong quá trình hội nhập đang bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu. Chính phủ Việt Nam nỗ lực tạo ra một lực lượng sản xuất, nghiên cứu bán dẫn rất mạnh, sẵn sàng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Đây cũng là cơ hội rất tốt cho các công ty dẫn đầu về công nghệ trong nước như FPT, Viettel… cùng phát triển.

“Intel là doanh nghiệp FDI đầu tiên tham gia mảng bán dẫn ở Việt Nam. Hiện có thêm Amkor (có thị phần rất lớn trong mảng kiểm thử bán dẫn), Hana Micro (rất mạnh về mảng đóng gói chip)... thành lập nhà máy tại Việt Nam. Hàng loạt công ty khác nằm trong chuỗi giá trị bán dẫn đã đến thăm Việt Nam, tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Có thể nói, cả hệ sinh thái đang vận động để đưa Việt Nam đạt vị trí nhất định trong ngành công nghiệp bán dẫn”, ông Thắng đánh giá.

Những cơ sở đào tạo như Đại học Fulbright Việt Nam cũng đang nỗ lực “lấp khoảng trống” trong đào tạo để nhân lực Việt sẵn sàng làm việc toàn cầu.

“Chương trình dạy của nhiều trường đại học tại Việt Nam đang thiếu mảng dự án để các bạn trẻ có cơ hội cọ xát với "thực chiến". Tại Đại học Fulbright Việt Nam, môn học nào sinh viên cũng phải làm dự án và làm việc nhóm, xử lý những công việc rất cụ thể tương tự môi trường làm việc thực tế tại doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm. Kể cả không phải kỹ sư tương lai cũng phải học ít nhất 3 môn về kỹ thuật. Riêng sinh viên kỹ thuật học khoảng 20 môn, môn nào cũng phải làm việc nhóm. Với cách tiếp cận mới trong việc giảng dạy, đội ngũ nhân sự công nghệ số ở Việt Nam thời gian tới sẽ ngày càng dồi dào và có thể ứng dụng ngay kiến thức, kinh nghiệm vào công việc, hạn chế "khoảng trống" giữa học và làm”, TS. Lê Quân cho hay.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Để nhân lực công nghệ số Việt sẵn sàng làm việc toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO