Thông điệp được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đưa ra tại họp báo thường kỳ, chiều 4/7.
Tại đây, báo chí đề nghị Bộ Ngoại giao bình luận về báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó Mỹ xếp Việt Nam trong danh sách theo dõi đặc biệt.
"Chúng tôi lấy làm tiếc về việc mặc dù đã ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo tín ngưỡng, song báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan, dựa trên thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam", bà Phạm Thu Hằng trả lời.
Theo bà Hằng, là một quốc gia đa dân tộc đa tôn giáo, với đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Trong đó, không ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật.
Các quyền này đã được nêu rõ trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam, cũng như Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, được bảo đảm tôn trọng trên thực tế.
Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau về những vấn đề còn khác biệt, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ.
Trên tinh thần đó, Việt Nam đề nghị phía Mỹ cần có những đánh giá khách quan, dựa trên các nguồn thông tin chính xác và toàn diện về tình hình thực tế tại Việt Nam, sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo.
Liên quan đến báo cáo năm 2024 về tình hình mua bán người trên thế giới cũng của Bộ Ngoại giao Mỹ, báo chí đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam đối với báo cáo này.
Theo bà Phạm Thu Hằng, Việt Nam hoan nghênh Mỹ đã có đánh giá khách quan về kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người.
Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống buôn bán người theo những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình phòng, chống buôn bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Trong đó, nổi bật là việc sửa đổi Luật Phòng, chống buôn bán người năm 2011 và tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các vụ mua bán người.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam tăng cường xác định, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, kịp thời ứng phó với thách thức mới từ tình trạng mua bán người trong khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu của thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp an toàn trật tự (GCM) theo kế hoạch do Thủ tướng ban hành vào ngày 20/3/2020.
Việc này nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong hoạt động di cư quốc tế.
"Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn Việt Nam - Mỹ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tăng cường trao đổi đối thoại nhằm đánh giá toàn diện, tích cực về những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong phòng chống mua bán người, phù hợp với tinh thần của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước", theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.