Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi mua được nhà ngay nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ hai bên và một phần tiền dành dụm từ khi còn yêu nhau.
Cứ ngỡ lúc có nhà riêng, chúng tôi sẽ sống vui vẻ. Vậy nhưng, mọi chuyện không như suy nghĩ ban đầu. Mẹ vợ đến sống cùng làm cho tôi cảm thấy không được thoải mái.
Tôi không cấm cản mẹ vợ đến chơi. Thậm chí, bà ở vài ba tháng là chuyện thường. Tuy nhiên, việc ở lâu dài cần suy xét kỹ do có thể dẫn đến nhiều bất cập.
Bố mẹ vợ có căn nhà ở quê, rộng rãi như biệt thự. Tuy nhiên, ông bà khắc khẩu từ xưa nên về già khó sống chung. Ngoài ra, mẹ vợ không hợp với chị dâu nên bà không thích đến nhà con trai. Vì những lý do này, mẹ rất quý và muốn ở với vợ chồng tôi.
Mẹ vợ không thông cảm cho hoàn cảnh hiện tại của các con khiến tôi không khỏi suy nghĩ (Ảnh minh họa: IT).
Tôi không sợ tốn kém thêm chi phí đồ ăn, thức uống hay điện nước khi bà sống chung. Tuy nhiên, từ khi ra trường cho đến khi lấy vợ, tôi chưa phụng dưỡng được bố mẹ đẻ ngày nào, muốn sự công bằng với cả hai bên nội, ngoại.
Kết thúc 6 tháng sống cùng, mẹ vợ về quê một thời gian ngắn rồi quay lại thành phố. Tôi hơi bất ngờ nhưng không nỡ từ chối vì không muốn mang tiếng bất hiếu.
Khi mẹ vợ ở cùng, vợ chồng tôi đỡ bận rộn hơn vì có người đưa con đi học, giúp đỡ việc cơm nước và dọn dẹp. Tuy nhiên, có thêm người sống chung đồng nghĩa với sự không thoải mái. Tôi phải chú ý lời ăn tiếng nói và cách ăn uống, chưa kể vợ chồng không có khoảng không gian riêng.
Từ lúc sống chung, vợ chồng tôi lo liệu các chi phí từ tiền ăn, quần áo cho đến các đồ dùng cá nhân của mẹ vợ. Hàng tháng, tiền lương của bà được gửi vào sổ tiết kiệm. Đến nay, thời gian trôi qua hơn 2 năm, tôi đoán số tiền bà tích góp được không hề nhỏ.
Thế nhưng, chưa một lần nào mẹ vợ đưa cho chúng tôi một đồng để mua thức ăn hay đóng tiền điện, nước.
Mấy tháng trở lại đây, kinh tế khó khăn chung, công việc của hai vợ chồng không dễ dàng như trước. Chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng chi tiêu, tiết kiệm thêm để sinh đứa con thứ hai.
Tôi thầm nghĩ, giá như mẹ vợ thấu hiểu sự khó khăn của các con ở giai đoạn này mà góp thêm tiền hàng tháng, mọi người sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Trong bữa cơm cách đây không lâu, tôi bày tỏ mong muốn mẹ vợ đóng tiền ăn và các chi phí điện, nước. Sau này, khi kinh tế vợ chồng vượt qua giai đoạn khó khăn, chúng tôi sẽ lo cho bà không thiếu thứ gì.
Vậy nhưng sau khi nghe lời đề nghị của tôi, mẹ vợ thay đổi sắc mặt. Bà đặt bát cơm xuống bàn rồi nói: "Mẹ nuôi vợ của con suốt mấy chục năm trời, tốn kém bao nhiêu công sức và tiền bạc còn chẳng kêu ca, phàn nàn. Bây giờ, các con còn nỡ đòi tiền ăn hàng tháng hay sao?
Tiền ăn và các chi phí khác xem như trả ơn bố mẹ, chẳng nhẽ các con không thể trang trải nổi? Không có sự tần tảo đó, liệu các con có cuộc sống như bây giờ không?".
Mẹ vợ tôi phân trần, số tiền tiết kiệm dành dụm được để lo lúc về già, ốm đau chứ không dư dả về kinh tế. Vừa nói dứt lời, bà rời khỏi bàn ăn rồi vào phòng ngủ, đóng chặt cửa.
Vợ tôi khuyên không nên đề cập đến chuyện này thêm lần nào nữa vì mẹ là người có tính tự ái. Nếu vợ chồng tôi tiếp tục đòi hỏi tiền ăn hàng tháng, bà sẽ nghĩ các con coi thường và bị xem như người "ăn bám".
Sau bữa cơm hôm đó, tôi giữ thái độ bình thường với mẹ vợ. Mẹ vợ cũng không đề cập đến chuyện tiền nong thêm một lần nào nữa.
Tôi cố tỏ ra bình thản nhưng trong lòng không vui vẻ vì tình hình như hiện tại là bất công với bên bố mẹ đẻ. Liệu tôi nên nói như thế nào để mẹ vợ về quê, không ở lâu dài với vợ chồng như bấy lâu nay?
Theo Dan Tri