Để không bị ‘lừa’ khi mua hàng qua mạng trong mùa dịch

TRUNG NGUYỄN| 02/07/2021 12:38

Việc mua hàng trực tuyến vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái... khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sắm trực tuyến để không bị lừa đảo. Ảnh: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương cho biết vừa qua đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các gian hàng thương mại điện tử (TMĐT).

Nhiều vụ lừa đảo trắng trợn

Vụ việc tiêu biểu là anh N.H.T.A cư trú tại TP.HCM đặt mua 1 đôi giày trên gian hàng của một sàn TMĐTvới giá 689.000 đồng vào tháng 6-2021. Khi đơn hàng đã đặt chưa được giao cho anh thì có một đơn vị khác lợi dụng thông tin cá nhân của anh để giao cho anh đơn hàng với đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị. Anh đã không biết việc này và tin tưởng rằng đây là đơn hàng của mình, nên đã nhận hàng và thanh toán tiền. Khi bóc kiện hàng ra, anh N.H.T.A phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh N.H.T.N đã liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý, đồng thời khi liên hệ với gian hàng thì bị chặn số. Anh đã phản ánh với sàn TMĐT và kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy.

Một vụ việc tương tự của anh N.V.T cư trú tại Vĩnh Long. Anh N.V.T đã đặt mua hàng của một shop trên sàn TMĐT vào tháng 10-2020. Sau khi nhận hàng và trả tiền, Anh N.V.T phát hiện thấy sản phẩm giao không đúng với đơn hàng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh đã kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình trên sàn TMĐT thì thấy đơn hàng vẫn đang trong tình trạng đóng gói, chờ chuyển đi. Như vậy, thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của anh N.V.T đã bị đối tượng nào đó thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ việc khác chị N.T.N cư trú tại TP.HCM, đã đặt mua sản phẩn sữa ong chúa tại một cửa hàng trên trang Facebook trong tháng 5-2021. Sau khi bóc kiện hàng và thấy sản phẩm không đúng với đơn hàng đã đặt, chị N.T.N đã liên lạc với bên giao hàng và cửa hàng bán sản phẩm trên Facebook đều không được hỗ trợ giải quyết. Cửa hàng đã tìm cách thoái thác, trốn tránh trách nhiệm với người tiêu dùng.

Thận trọng trước các review giả trên mạng

Theo dữ liệu khảo sát của Podium (công ty phát triển phần mềm giúp các doanh nghiệp hiện đại hóa các phương thức tương tác với khách hàng) thì 93% người được khảo sát cho rằng các nhận xét trên mạng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ, và 82% người nói nội dung của khảo sát đã thuyết phục họ mua hàng. Còn theo “Sách trắng Thương mại điện tử năm 2020”, tại Việt Nam, 56% người tiêu dùng coi các bình luận, đánh giá trên mạng là lý do lựa chọn để mua hàng qua mạng.

Thận trọng trước các review giả trên mạng

Có thể thấy rằng, nhận xét trên mạng thực sự đóng vai trò quan trọng. Tại một số sàn TMĐT, nhận xét của người tiêu dùng được tổng hợp và chuyển thành xếp hạng sao cho từng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Theo đó, nhận xét tích cực càng nhiều thì xếp hạng sao cho sản phẩm, dịch vụ đó sẽ đạt 4-5 sao, ngược lại sẽ chỉ đạt 1-2 sao nếu nhiều nhận xét tiêu cực.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng đăng nhận xét giả (fake reviews) để thuyết phục người tiêu dùng mua hàng. Nhận xét giả thường là những nhận xét tích cực về sản phẩm, dịch vụ mục tiêu hoặc tiêu cực về sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh.

Tại Việt Nam, tình trạng viết nhận xét không khách quan, nhận xét giả hoặc đăng nhận xét để được nhận ưu đãi đã xuất hiện, dẫn đến tình trạng người tiêu dùng gặp khó khăn khi đưa ra quyết định mua sản phẩm, dịch vụ. Tình trạng này xuất hiện trên các sàn TMĐT, blog và mạng xã hội.

Một số cách nhận biết nhận xét giả hoặc nhận xét không khách quan

- Nội dung nhận xét cho thấy người viết được nhận thù lao/tiền hoa hồng nếu người đọc nhấn vào link trong bài viết để mua hoặc nhập mã được cung cấp bởi người viết.

- Nhận xét có nội dung không hợp lý như: cho thấy sản phẩm/dịch vụ có giá rẻ nhưng chất lượng tương đương sản phẩm/dịch vụ cao cấp; nhận xét quá tiêu cực nhưng không đưa ra lý do;…

- Nhận xét quá tích cực và hay kèm các dấu cảm thán như “!”, “!!!”

- Nhận xét quá tích cực và kèm theo nội dung “cầu xin” nhà sản xuất sản xuất thêm, sản xuất lại sản phẩm/dịch vụ…

- Nhận xét quá tích cực về sản phẩm/dịch vụ mới ra mắt kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, rầm rộ trong thời gian ngắn.

- Sản phẩm/dịch vụ được rất nhiều người nổi tiếng cùng nhận xét trên mạng xã hội.

- Nhận xét quá tiêu cực về sản phẩm để được hoàn lại tiền.

- Nhận xét có nội dung gần giống nhau đã xuất hiện ở nhiều hội/nhóm có liên quan trên mạng xã hội.

- Trang cá nhân của người viết nhận xét ở trạng thái công khai, có rất ít thông tin cá nhân, không có nhiều bài đăng,… (có dấu hiệu lập ra chỉ để viết nhận xét).

- Bài đăng có kèm ảnh minh họa chất lượng thấp hoặc ảnh đã qua chỉnh sửa (ví dụ: nhận xét về sản phẩm dưỡng da, trang điểm, đồ ăn,…).

Theo Tự sản xuất
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Để không bị ‘lừa’ khi mua hàng qua mạng trong mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO