Bởi những người bán tung sản phẩm của mình lên mạng xã hội với những lời quảng cáo có cánh…
Thậm chí nhiều người còn lầm tưởng là thuốc chữa bệnh. Với tâm lý cứ thực phẩm chức năng là tốt, không bổ dọc thì bổ ngang vì vậy nhiều người tiêu dùng đã phải nếm “trái đắng” vì mua những sản phẩm không chuẩn.
Loạn thị trường thực phẩm chức năng
Trước tình trạng này, cơ quan chức năng đã có rất nhiều nỗ lực ngăn chặn, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm song tình hình vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí có diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Đặc biệt, tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại thực phẩm chức năng kém chất lượng được rao bán trên mạng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, trong 2 năm (2020-2021), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 76 cơ sở với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Mặc dù vậy những vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận.
Nguyên nhân quan trọng khác là các sản phẩm thực phẩm chức năng thường được quảng cáo, kinh doanh trên mạng xã hội. Từ đó sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng tuy nhiên các sản phẩm này có nhiều thông tin không chính xác về công dụng, vị thuốc y học cổ truyền, đã kích thích nhu cầu sử dụng các sản phẩm này ngày càng gia tăng mạnh trên thị trường.
Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm chức năng” trong 0,55 giây đã cho ra 243 triệu kết quả với đủ những loại thực phẩm được tung hô chất lượng cao, được sản xuất từ những cường quốc như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Không chỉ có vậy, trên mạng xã hội Zalo, đặc biệt là Facebook xuất hiện nhiều cá nhân, nhiều cửa hàng đưa sản phẩm thực phẩm chức năng để tung hô với những lời “có cánh” nhằm thu hút người mua. Thậm chí, họ còn quay những video, những đoạn hội thoại với khách hàng khen sản phẩm đưa lên Facebook để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Thực tế vừa qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp tịch thu nhiều loại thực phẩm chức năng với công dụng được quảng cáo “thổi phồng” là giúp giảm cân “thần tốc”, tăng chiều cao “siêu nhanh”. Cục An toàn thực phẩm đã phải đăng cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Great Height đang được quảng cáo với nội dung vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng trên các website: www.greatheight.vn;www.greatheight.online;www.greatheight.org,www.tangchieucaogreatheight.com; www.greatheights.vn; www.greatheight-chinhhangvn.online.
Phía quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Great Height đã vi phạm quy định về nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm là có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, tên, thư tín của bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Sản phẩm Great Height nêu rõ các chức năng như hỗ trợ bổ sung canxi, vitamin D3 và vitamin K2 cho cơ thể; hỗ trợ xương răng chắc khỏe; hỗ trợ phát triển chiều cao và hỗ trợ tình trạng còi xương ở trẻ, nhưng có khá nhiều video quảng cáo thổi phồng công dụng tăng chiều cao như thần dược.
Tương tự, sản phẩm Mộc Mao và Mộc Tâm Đường cũng vi phạm nghiêm trọng về quy định quảng cáo. Vào tháng 3-2022, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiếp tục đưa ra cảnh báo 2 sản phẩm thực phẩm này. Theo đó, trong thời gian vừa qua trên một số website đã đăng nội dung quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Tâm Đường vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Sản phẩm này do Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh (địa chỉ số 119 phố Nguyễn Trãi I, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) sản xuất và Công ty CP PT&TM Tây Bắc (địa chỉ số nhà 84, Tổ dân phố 6, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Còn Mộc Mao do Công ty Cổ phần Bigfa (địa chỉ: Khu công nghiệp Lương Sơn, Km36 - QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sản xuất và Công ty TNHH Thương mại Tubi (địa chỉ: Tầng 6, tòa nhà Zen Tower, số 12 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Gần đây nhất, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) An Giáp Vương - do Công ty TNHH Dược Mộc Khang (có địa chỉ tại số nhà 24, ngách 30, ngõ 155 Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm - là quảng cáo không đúng bản chất, vi phạm quy định của pháp luật về Luật Quảng cáo tại nhiều website cùng các trang mạng xã hội. Cụ thể, tại website angiapvuong... sản phẩm An Giáp Vương mặc dù chỉ là TPBVSK nhưng phóng đại với công dụng điều trị dứt điểm bệnh tuyến giáp giống một loại thuốc đặc trị. Sản phẩm này còn được quảng cáo như “thần dược” có khả năng chữa dứt điểm bệnh tuyến giáp ngay tại nhà mà chẳng cần trải qua phẫu thuật. Ngoài ra, sản phẩm này còn được cố tình thổi phồng công dụng với nhiều nội dung: Làm teo u, đào thải nhân u ra ngoài, cắt nguồn nuôi u; tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, không cần mổ; điều hòa hàm lượng hormone tuyến giáp nhanh, giảm viêm sưng, ổn định khối u tuyến giáp, phục hồi chức năng tuyến giáp... Các trang web bán hàng còn ngang nhiên gọi TPBVSK An Giáp Vương là “thuốc”.
Trong khi, luật quảng cáo quy định nghiêm cấm các đơn vị quảng cáo TPBVSK có thể gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc chữa bệnh hoặc dùng từ “chấm dứt”, “chữa khỏi”, “đẩy lùi”, “xóa tan”, “giải quyết dứt khoát”, “điều trị”, “thoát khỏi”... Bên cạnh các website, tại một số fanpage hoạt động công khai, An Giáp Vương còn có những công dụng sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng.
Ma trận thực phẩm chức năng không chỉ do tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng, mà việc bán các sản phẩm có chất cấm vẫn hết sức công khai. Qua khảo sát của phóng viên, chẳng khó khăn gì để mua được một số loại thực phẩm chức năng trong danh sách có chất cấm.
Ngày 23-5, Cục An toàn thực phẩm nhận được kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, trong đó 3/5 sản phẩm được lấy mẫu xét nghiệm chứa chất cấm Sildenafil và Sibutramine.
Ba sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển có chứa chất cấm, bao gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ hoàn dương plus (số lô: 02.2022, ngày sản xuất: 11-05-2022, hạn sử dụng: 10-05-2025) phát hiện chứa chất cấm Sildenafil 32,4 mg/g; Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý (số lô: 03.2022, ngày sản xuất: 12-05-2022, hạn sử dụng: 11-05-2025) phát hiện chứa chất cấm Sildenafil 27,3 mg/g; và Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo (số lô: 01.2022, ngày sản xuất: 26-02-2022, hạn sử dụng: 25-02-2025) phát hiện chứa chất cấm Sibutramine 2,34 mg/mL.
Để kiểm tra xem loại thực phẩm này còn được bán trên thị trường hay không, phóng viên đã có khảo sát trên mạng Internet, các diễn đàn, nhóm mua bán thực phẩm chức năng. Thực tế thì vẫn còn rất nhiều tài khoản rao bán sản phẩm này, thậm chí trên trang thương mại điện tử Shopee vẫn chào bán. Khi chúng tôi tỏ ý định mua thực phẩm bảo vệ sức Khỏe bổ hoàn dương plus thì được nhân viên tư vấn rất nhiệt tình. Người này xưng là dược sĩ, sau đó hỏi triệu chứng, biểu hiện bệnh cuối cùng là tư vấn mua thuốc. Giá của mỗi lọ thuốc này là 530 nghìn đồng, chỉ một lọ là sẽ có hiệu quả đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, khi chúng tôi có đặt vấn đề, đây là sản phẩm từng được cảnh báo có chứa chất cấm thì nhân viên tại đây khẳng định đó chỉ là tin đồn. Khi chúng tôi gửi thông tin từ báo chí về việc kết luận sản phẩm có chứa chất cấm thì nhân viên này im lặng và “lặn” mất tăm.
Tương tự như vậy, hàng loạt những sản phẩm mà Cục An toàn thực phẩm đã thông tin cảnh báo vì chứa chất cấm, nhưng hầu hết các sản phẩm này vẫn được chào bán khá công khai.
Khó trị tận gốc?
Có thể thấy thị trường thực phẩm chức năng có hàng ngàn sản phẩm đang được lưu hành. Trong khi cơ quan chức năng còn loay hoay với vụ việc này, thì các sai phạm khác đã lại xảy ra, khiến việc xử lý chỉ như muốn bỏ biển, hậu quả cuối cùng thì người dân phải gánh. Trước tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chia sẻ với truyền thông, để kiểm soát vấn nạn này, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm chức năng; kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự, đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cục An toàn thực phẩm cũng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, hậu kiểm thực phẩm bảo vệ sức khỏe lưu thông trên thị trường. Người dân có bất cứ thông tin liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm an toàn thực phẩm, quảng cáo “thổi phồng” công dụng có thể liên hệ với Cục An toàn thực phẩm để cung cấp thông tin, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất bất chấp đạo đức kinh doanh, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, lén lút cho chất cấm khi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, việc này đã được cơ quan chức năng phát hiện khi kiểm tra, hậu kiểm các sản phẩm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những lý do khiến thị trường thực phẩm chức năng sôi động chính là bởi trong nhiều đơn thuốc kê cho bệnh nhân, bác sĩ đã “đính kèm” cả thực phẩm chức năng. Vụ việc gần đây nhất diễn ra tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, bác sĩ đã kê đơn thuốc kèm thực phẩm chức năng. Sau khi vụ việc bị phát hiện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có báo cáo giải trình nêu rõ, Hội đồng chuyên môn của bệnh viện xác định đây là “sai sót” trong quy trình nghiệp vụ. Bệnh viện đã xử lý bác sĩ vi phạm bằng hình thức cho điều chuyển công tác và đây là cơ sở để tiếp tục xử lý kỷ luật theo quy định.
(Theo An Ninh Thế Giới)