Kiến nghị ban hành Luật về năng lượng tái tạo
Ngày 21/7, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm trưởng đoàn, làm việc với tỉnh Gia Lai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Báo cáo với đoàn giám sát, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, toàn tỉnh được quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất trên 4 triệu MW. Cụ thể, 60 dự án thủy điện, 9 dự án điện mặt trời, 17 dự án điện, hơn 3.200 hệ thống điện mặt trời mái nhà...
Tỉnh Gia Lai kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan xem xét, đưa vào trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, có xét đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đối với 135 các dự án nguồn năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải có tính khả thi để phát triển.
Tại buổi làm việc, tỉnh Gia Lai kiến nghị Quốc hội chỉ đạo xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo để địa phương có cơ sở triển khai các vấn đề liên quan mang tính cấp bách.
Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành sớm ban hành Quyết định quy định về quản lý, thực hiện các dự án điện cấp bách thuộc quy hoạch phát triển điện lực để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao những kết quả toàn diện mà Gia Lai đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 và ghi nhận những dự án đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương, bảo đảm an ninh năng lượng...
Ngoài ra, Tổng thư ký Quốc hội cũng nêu rõ thực tế nhiều dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xây dựng hoàn thành nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại, chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia. Do đó, đề nghị tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến và các vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đặt ra và đề ra giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, vấn đề về tính đồng bộ trong phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải còn nhiều hạn chế. "Xây dựng nhưng đường truyền tải không có, không bán được lên trên điện lưới quốc gia đó là sự lãng phí. Dự án đắp chiếu để đấy, các cột điện gió đứng yên cũng là sự lãng phí", Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Cần một cơ chế giá phù hợp để phát triển
Trong chiều cùng ngày, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc tại Dự án điện gió Ea Nam (huyện Ea H'leo, Đắk Lắk). Đây là dự án điện gió lớn nhất Tây Nguyên với công suất 400MW.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo của Dự án đã trình bày với Đoàn giám sát chính sách giá mua bán điện hiện đã có một số cơ chế được ban hành nhưng cần một cơ chế giá phù hợp để phát triển, để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Đối với các vấn đề vướng mắc tồn đọng quá trình triển khai dự án năng lượng cần được quan tâm, hỗ trợ xử lý.
Ngoài ra, vấn đề Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt được đề nghị sớm có các hướng dẫn, quy chế đẩy nhanh các dự án năng lượng.
Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo - cũng kiến nghị với Đoàn giám sát việc cần thiết về quy định "Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m tính từ tim trụ tuabin điện gió" để ổn định tình hình an ninh trật tự khi triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện không có văn bản hướng dẫn khu dân cư là gì, quy định bồi thường, hỗ trợ trong khoảng cách an toàn…
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận những ý kiến, đề xuất từ chính quyền, các vấn đề tồn đọng từ dự án và sẽ có kiến nghị lên Quốc hội.
Đồng thời, Tổng thư ký Quốc hội đề xuất đối với các dự án năng lượng, trong quá trình đầu tư gặp những bất cập, vướng mắc trong các quy định của pháp luật cần có văn bản ý kiến đến Đoàn giám sát. Từ đó, Đoàn sẽ báo cáo Ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi phù hợp thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.