Tại phiên thảo luận tổ ở về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ngày 24/10, đại biểu Quốc hội Lê Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, cơ sở đang gặp nhiều khó khăn trong việc tính toán chi thu nhập cho cán bộ, nhân viên khi tăng lương cơ sở và cạnh tranh với tư nhân để thu hút nhân lực.
Đại học Quốc gia Hà Nội được giao nhiệm vụ đào tạo những ngành mà xã hội có nhu cầu cao, đặc biệt là kỹ thuật công nghệ. Theo quy định, mức lương trường chi trả cho tiến sĩ dao động từ 15 - 20 triệu đồng. Thế nhưng, doanh nghiệp sẵn sàng chi trả 40 - 50 triệu đồng. "Cạnh tranh rất lớn với nhà trường", ông nói.
Để đảm bảo mức lương 15 triệu đồng/tháng, cuối năm ngoái, Đại học Quốc gia Hà Nội phải đưa ra chính sách hỗ trợ tài chính với giảng viên dưới 40 tuổi bằng cách đặt hàng, giao nhiệm vụ, đề tài khoa học. Dù đã rất nỗ lực, nhưng so với doanh nghiệp, mức lương này không cao.
Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng, bài toán đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học phải bắt nguồn từ thu nhập, chưa kể điều kiện sinh hoạt, làm việc cho chuyên gia, nhà khoa học. Trong khi đó, các trường lại không đủ nguồn lực để thu hút họ, nhất là ở những ngành mới hoặc có tính ứng dụng cao. Nguyên nhân là cơ chế tự chủ đại học còn nhiều vướng mắc.
"Chúng ta vẫn nói tự chủ không phải là cắt chi, nhưng trên thực tế vẫn là như vậy. Với tốc độ giảm chi thường xuyên, giảm biên chế, rõ ràng các trường đại học tự chủ tài chính rất khó khăn", ông Quân nói.
Cùng với đó, các trường đại học chịu nhiều ràng buộc khi thực hiện chính sách học phí. Nhiều ngành muốn tăng học phí nhưng vướng trần. Ngoài ra, các đại học cũng không thể chỉ trông chờ vào học phí để tồn tại và phát triển.
Từ những bất cập, vướng mắc kể trên, ông Quân đề nghị Quốc hội ủng hộ để có chính sách hỗ trợ tài chính cho các trường đại học, nhất là khi tăng trường kinh tế, thu nhập của người dân giảm sút. Với các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ, Chính phủ cần tính toán cơ chế trả lương cho cán bộ, giảng viên trong bối cảnh cải cách tiền lương hiện nay.
Hiện tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam khoảng 31%, mục tiêu đạt 35% vào năm 2025. Mức này thấp hơn nhiều so với các đại học ở Anh, Mỹ hay Malaysia, Srilanca (50-75%).
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT về tự chủ đại học, năm 2021 tỷ lệ giảng viên đại học thu nhập dưới 150 triệu đồng/năm là 46,3%, dưới 200 triệu là 69,66%. Như vậy, đa số giảng viên thu nhập 12,5-17 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, tính đến năm 2021, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học là hơn 31%, tăng 6% so với ba năm trước.