ĐBQH tán thành ban hành Luật Cảnh sát cơ động

26/05/2022 14:08

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) với đa số ý kiến tán thành cần thiết ban hành Luật CSCĐ trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh về CSCĐ.

ĐBQH tán thành ban hành Luật Cảnh sát cơ động - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại hội trường. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

CSCĐ thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn vi phạm pháp luật

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) so sánh dự thảo luật lần này đầy đủ, khoa học hơn, bổ sung một số quy định nhằm cụ thể hóa hơn nhiệm vụ và quyền hạn của CSCĐ.

Về vấn đề còn nhiều ý kiến và dư luận quan tâm là nhiệm vụ của CSCĐ, nữ đại biểu cho rằng, dự thảo quy định CSCĐ có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự là hợp lý vì quy định này kế thừa Khoản 3, Điều 7 của Pháp lệnh CSCĐ. Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ vũ trang tuần tra kiểm soát của CSCĐ nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với các đối tượng có hành vi cản trở người thi hành công vụ.

"Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, CSCĐ sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, động vật nghiệp vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực tiễn những năm qua, công tác tuần tra, kiểm soát của CSCĐ đã phát huy hiệu quả trong bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn cả nước, nên chúng ta quy định nhiệm vụ này trong dự thảo luật là phù hợp", ĐBQH tỉnh Hải Dương phân tích.

Về thẩm quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ nhất trí với quy định trong dự thảo này và giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì hiện nay, các loại phương tiện bay này được sử dụng rộng rãi, có nguy cơ đe dọa, gây mất an ninh, an toàn các mục tiêu bảo vệ. Vì vậy cần tạo cơ sở pháp lý để CSCĐ chủ động xử lý, ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện này trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt, dự thảo luật lần này so với dự thảo trình kỳ họp thứ 2 đã bổ sung, chỉnh lý làm rõ các loại phương tiện bay và khu vực, phạm vi CSCĐ được phép ngăn chặn, vô hiệu hóa.

Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí về quy định CSCĐ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện (trừ công trình quốc phòng, khu vực quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng) và được vào cơ quan, tổ chức, cá nhân giải cứu con tin, trấn áp khủng bố.

"Một trong những nhiệm vụ chính của CSCĐ là chống khủng bố, nên quy định như thế nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến khi có tình huống xảy ra, nếu không thì CSCĐ khó hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế có nhiều vụ bắt cóc, giam giữ con tin tại trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở cá nhân", đại biểu Việt Nga nhấn mạnh.

ĐBQH tán thành ban hành Luật Cảnh sát cơ động - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải cung cấp cơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở

Đồng quan điểm, đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai) đề nghị Ban soạn thảo bỏ từ "yêu cầu" vì yêu cầu là có thể không thực hiện, do đó nên sửa thành "cơ quan, tổ chức, cá nhân phải cung cấp cơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng" để giải cứu con tin, trấn áp tội phạm khủng bố, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

"Tôi lấy ví dụ, trong trường hợp cứu nạn, cứu hộ, một ngôi nhà cháy, mấy chục nạn nhân chết, CSCĐ được huy động đến rất nhanh rồi thì còn cần phải chờ lực lượng nào nữa mới được vào? Thậm chí lúc đó còn phải phá cửa luôn. Người ta không cung cấp sơ đồ thì CSCĐ làm sao cứu người được...", đại biểu viện dẫn.

Về quy định CSCĐ được trang bị máy bay, ĐB Quản Minh Cường cho biết, chuyện sử dụng máy bay, tàu ngầm là bình thường trên thế giới, các lực lượng cảnh sát, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư ở Nhật, Mỹ hay ngay Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Campuchia đều đã sử dụng nhiều các phương tiện này rồi.

Phát biểu giải trình thêm, thay mặtỦy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật CSCĐ.

Về mục tiêu quan trọng về kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật và loại hàng đặc biệt, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết đã được quy định cụ thể trong Nghị định 37/NĐ-CP, ngày 23/4/2009, Nghị định 39/NĐ-CP ngày 30/3/2001 và Nghị định 21/NĐ-CP ngày 21/2/2018 của Chính phủ nên Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra không đưa vào phần giải thích từ ngữ.

"Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này", ông Lê Tấn Tới cho biết.

  • Tham khảo thêm

    Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động

    Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động
  • Tham khảo thêm

    Cảnh sát cơ động cần được chủ động vô hiệu hóa tàu bay không người lái

    Cảnh sát cơ động cần được chủ động vô hiệu hóa tàu bay không người lái

Lê Sơn


Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH tán thành ban hành Luật Cảnh sát cơ động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO