Nêu ý kiến tại buổi thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, diễn ra chiều 26/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, cử tri đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và thực hiện Nghị định 116 (ban hành 2020) về chính sách hỗ trợ hỗ trợ học phí, phí sinh hoạt với sinh viên ngành Sư phạm.
Bà Nga cho rằng, dù Nghị định này có hiệu lực gần 3 năm nhưng đến nay rất ít địa phương trên cả nước triển khai theo nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đào tạo ngành Sư phạm. Có 3 nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến tình trạng trên.
Thứ nhất, việc đấu thầu này đang coi giáo viên như một mặt hàng và các trường là đơn vị cung cấp mặt hàng đó. Trong khi chất lượng, uy tín, bề dày kinh nghiệm giữa các cơ sở không giống nhau, "sẽ ra sao nếu các trường uy tín, lâu năm trượt đấu thầu và ngược lại?, đại biểu Nga băn khoăn.
Thứ hai, dù sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng nhưng khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, muốn được phục vụ trong ngành Giáo dục thì vẫn phải vượt qua kỳ thi tuyển viên chức. Nghị định 116 quy định, nếu sinh viên Sư phạm sau khi ra trường không công tác trong ngành Giáo dục sẽ phải trả lại số tiền được hỗ trợ theo chính sách quy định.
Nghị định chưa tính đến trường hợp, nếu sinh viên không trúng tuyển trong kỳ thi viên chức, nghĩa là không phải do ý muốn chủ quan từ người học thì có phải bồi hoàn chi phí hay không?. Theo bà, nếu không phải bồi hoàn sẽ dẫn đến trường hợp lợi dụng kẽ hở, cố tình thi trượt để né bồi hoàn.
Thứ ba, nhiều địa phương thiếu giáo viên, mong muốn được đặt hàng đào tạo sư phạm nhưng chưa bố trí được kinh phí hoặc nhiều địa phương đang không có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên.
Đại biểu cũng cho rằng: "Chính sách đã có nhưng đi vào thực hiện gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương chưa được cải thiện. Thậm chí nhiều người dân cho con theo học Sư phạm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trợ cấp, hỗ trợ theo Nghị định 116, do ngân sách địa phương chưa thực hiện được".
Do vậy, các cử tri tha thiết đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, tham mưu với Chính phủ rà soát, tháo gỡ những khó khăn, bất cập để Nghị định này được thực hiện thông suốt và hiệu quả.
Trước đó, ngày 25/5, Bộ GD&ĐT công bố 16 trường đại học, cao đẳng tại 11 địa phương không có nhu cầu đào tạo, tuyển sinh ngành Sư phạm năm 2023 hoặc các trường trên địa bàn đã sáp nhập với cơ sở đào khác gồm: Bến Tre, Cà Mau, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Quảng Nam.
Theo quyết định của Bộ Chính trị ký ban hành năm 2022, tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 cần bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bộ GD&ĐT xác định nguyên nhân của tình trạng trên là việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh. Việc bố trí, điều động, phân công giáo viên cũng chưa phù hợp. Một phần khác do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn.