ĐBQH đề nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay để đồng hành cùng DN

07/01/2022 16:09

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế là "chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm" để thể hiện rõ hơn chủ trương đồng hành cùng DN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình về chính sách tài khóa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại phiên thảo luận chiều 7/1 về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, liên quan đến chính sách tiền tệ, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hoà Bình) đề nghị cần có chính sách điều tiết thu nhập của các tổ chức tín dụng để chia sẻ rủi ro trong giai đoạn nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, trong khi các tổ chức tín dụng vẫn có lãi lớn, còn dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Cũng liên quan đến vấn lãi suất cho vay, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) dẫn khoản 3 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết có quy định: “Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 đến 1% trong 2 năm”. Đại biểu Chung đề nghị không nên dùng từ "phấn đấu", vì đây là giải pháp, chứ không phải là chủ trương, nên cần phải quy định cụ thể để thực hiện, cũng không nên đặt ra vấn đề tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý.

“Tôi đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết là ‘chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 đến 1% trong 2 năm’ để thể hiện rõ hơn chủ trương đồng hành cùng DN”, đại biểu Thái Thị An Chung đề xuất.

Đi sâu hơn vào vấn đề hỗ trợ lãi suất, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng chính sách về hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cần rà soát, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, tránh cào bằng trong việc hỗ trợ lãi suất, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng thiết yếu như nông nghiệp, vận tải, du lịch…

Theo ông So, năm 2021 ngành nông nghiệp đã phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm của toàn ngành kinh tế. Tuy nhiên, ngành cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, đặc biệt là vấn đề hàng loạt nông sản ách tắc tại các cửa khẩu trong thời gian qua. Do đó, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất để đảm bảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, gia tăng xuất khẩu chính ngạch. Ngành nông nghiệp cần thiết phải nhận được tỉ trọng ưu đãi lãi suất cao hơn các nhóm ngành được hỗ trợ, tương xứng với vai trò là trụ đỡ của mình.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) đề xuất giải pháp điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư mua trái phiếu Chính phủ. Để đạt được điều này, đại biểu Luận đề nghị cần tính toán lãi suất của trái phiếu Chính phủ hợp lý, phù hợp với mặt bằng chung của lãi suất các ngân hàng; tránh trường hợp các ngân hàng, các tổ chức tín dụng thấy lãi suất của trái phiếu Chính phủ hấp dẫn sẽ không chú trọng cho vay sản xuất, kinh doanh, mà lại dành nguồn lực lớn đầu tư mua trái phiếu Chính phủ, thì sẽ không đạt được hiệu quả của chính sách như kỳ vọng.

Giảm thuế VAT sẽ kích thích tiêu dùng cho nền kinh tế

Giải trình về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, phần tác động đến bội chi ngân sách 240.000 tỷ đồng, trong đó thuế là 64.000 tỷ đồng, có nghĩa mức giảm thuế gấp 3 lần so với 2021 và chi ngân sách cũng lớn nhất từ trước đến nay.

Có ý kiến đại biểu cho rằng việc giảm 2% thuế VAT là nhỏ, cần giảm đến 5%, ông Phớc cho rằng áp dụng năm 2022 sẽ giảm 2% với mặt hàng có thuế suất 10%, trừ một số ngành viễn thông, tài chính, bảo hiểm ngân hàng, bất động sản… giúp giảm 49.400 tỷ đồng. Với hàng hóa chịu 5% thì số giảm lớn, nên gây áp lực, gây mất cân đối ngân sách, phân loại nhiều cũng phức tạp, nên xin giữ nguyên như tờ trình.

Về đề nghị giảm thuế thu nhập thay cho VAT có tác dụng cho DN hơn, theo ông Phớc, giảm thuế VAT 2% thì có tác dụng rộng hơn, lan tỏa tốt hơn, kích thích tiêu dùng cho nền kinh tế. Còn giảm thuế thu nhập DN thì DN thua lỗ, khó khăn không được hưởng để có thêm nguồn lực. Báo cáo tài chính cũng không minh bạch giữa chi phí và thuế, và đúng với pháp luật thuế hiện nay, chuẩn mực kế toán, vì vậy xin tiếp tục được nghiên cứu, vì đây là vấn đề mới.

Với đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán, bất động sản và kinh doanh trên nền tảng số, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hạn chế tiêu dùng, ông Phớc cho rằng, hiện nay chuyển nhượng chứng khoán, với DN là thu 20%/thu nhập; chuyển nhượng bất động sản là 2%/thu nhập, cá nhân thì 2%/giá trị hợp đồng. Hiện thị trường chứng khoán rất tốt, là kênh thu hút vốn quan trọng cho nền kinh tế, năm 2021 huy động được 7,77 triệu tỷ đồng, chiếm 92,5% so với GDP của năm 2021, nên đề nghị giữ nguyên. Hiện nay tập trung siết trái phiếu DN mà không có tài sản thế chấp. Còn chuyển nhượng tài sản cá nhân thì nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu thuế. Còn nền tảng số, hiện Bộ cũng đang tập trung truy thu với kinh doanh trên nền tảng số, không phân biệt trong hay ngoài nước.

Với DN chuyển lỗ về năm trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, vì hiện quy định là quyết toán vào năm sau, chứ chưa có quy định về chuyển lỗ về năm trước. Gói kích cầu này chủ yếu nguồn vay trong nước và vay nước ngoài thông qua trái phiếu Chính phủ, nên phải sử dụng hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp thu và điều hành linh hoạt

Thông tin về gói tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, đây là gói bổ sung ngoài khuôn khổ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu. Dư địa chính sách tiền tệ ở chương trình này ít, chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa.

Khi đưa tiền ra qua chính sách tài khóa, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự linh hoạt của chính sách tiền tệ, vì bản chất chính sách tiền tệ là ngắn hạn theo sát diễn biến của kinh tế, mục tiêu đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. “Do tính chất ngắn hạn của chính sách tiền tệ nên cần sự linh hoạt theo sát thị trường, có lúc phải đưa tiền ra và có lúc rút tiền về, vì thế tại thời điểm xây dựng chương trình này khó có thể lượng hóa được bao nhiêu lượng tiền ra từ chính sách tiền tệ”.

Với việc giảm lãi suất, bà Hồng cho hay, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành của ngành ngân hàng, nên sau khi dịch COVID-19 bùng phát, NHNN đã tập trung giảm nhanh 3 lần lãi suất điều hành, cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều tiết tiền tệ để giảm mặt hàng lãi suất cho vay trong năm 2020 là khoảng 1% và năm 2021 tiếp tục giảm là 0,8%. Trên thực tế thì động viên, khuyến khích tổ chức tín dụng miễn giảm lãi vay và giảm phí.

“Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm lãi, phí gần 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho DN và người dân”, bà Hồng cho hay. Hiện lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các ngân hàng trên thế giới bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và xu hướng lãi suất tăng lên. Trong khi nền kinh tế của Việt Nam đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là vấn đề thực sự khó khăn. Tuy nhiên, trong xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ cũng cân nhắc và đưa ra giải pháp là phấn đấu để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất từ 0,5-1% trong 2 năm để hỗ trợ cho DN, người dân. Với một số công cụ khác như dự trữ bắt buộc, NHNN sẽ tiếp thu và điều hành linh hoạt, có lúc tăng, lúc giảm vì hiện nay thanh khoản đang dư thừa.

Với gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ điều tiết để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có nguồn tín dụng đáp ứng được yêu cầu cho gói này. Đặc biệt, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới, khi hướng dẫn, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung đối tượng có trọng tâm trọng điểm, khắc phục hạn chế gói hỗ trợ trước.

Hải Liên

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    ĐBQH đề nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay để đồng hành cùng DN
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO